Giữ gìn và vun đắp mối quan hệ Việt Nam- Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững

Mai Hạ|07/11/2022 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày mai, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Campuchia theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen. Thủ tướng sẽ có 2 ngày thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị liên quan từ 10-13/11.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Campuchia trong Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022. 

Mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu

Ngày 24/6/1967, quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia chính thức được thiết lập, nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung sức, đồng lòng đánh đuổi thực dân Pháp. Tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân - đế quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Campuchia khởi xướng, tạo nên sức mạnh chung to lớn cho quân và dân hai nước thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do.

tbt-2018.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm nhà sàn Bác Hồ tháng 12/2018. 

Tháng 3/1951, tại Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương, khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia cũng được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước. Sự ra đời của khối liên minh chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, không chỉ gắn kết, tập hợp ba nước Đông Dương vào chung một mặt trận thống nhất, mà còn là biểu tượng của sự thắng lợi trước chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp. Mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước nói chung, giữa Việt Nam và Campuchia nói riêng đã tạo ra những điều kiện căn bản, đồng thời là nhân tố bảo đảm và thúc đẩy cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc của mỗi nước đi đến thắng lợi.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh chung để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc ở Đông Dương... Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào, được xây dựng và phát triển tốt”. Điều này cho thấy, mong muốn của Việt Nam trong việc củng cố tình đoàn kết, hữu nghị vốn có với Campuchia, giành được sự ủng hộ của nhân dân và các lực lượng tiến bộ ở Campuchia đối với cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Về phía Campuchia, chính quyền Campuchia do Hoàng thân Norodom Sihanouk làm Quốc trưởng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn vào năm 1963, công khai lên án hành động xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và tổ chức Hội nghị Nhân dân các dân tộc Đông Dương tại Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) vào năm 1965, thông qua “Nghị quyết về vấn đề Việt Nam” khẳng định tình đoàn kết của nhân dân Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày 23/6/1967, trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á".

Chỉ sau đó một ngày, Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử chung của hai dân tộc.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 24/6/1967), Việt Nam và Campuchia đã sát cánh bên nhau, giành nhiều thắng lợi trên cả mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao, cùng giành chiến thắng lịch sử vào mùa xuân năm 1975. Tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc càng được thể hiện rõ nét và sâu sắc hơn khi Campuchia tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Và khi Campuchia rơi vào khó khăn sau cuộc đảo chính tháng 3/1970 của Lon Nol, quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân Campuchia, giúp Campuchia chuyển hướng đấu tranh từ mục tiêu hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, dân sinh sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị chống Chiến lược Khmer hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, lực lượng kháng chiến Campuchia từng bước được xây dựng và trưởng thành, tích cực phối hợp với quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Pathet Lào thực hiện liên minh đặc biệt chiến đấu đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở Đông Dương, làm nên chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam và Campuchia vào mùa Xuân năm 1975.

Khi cả hai đất nước hoàn toàn được giải phóng khỏi chế độ thực dân, đế quốc, Campuchia lại rơi vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước này khi phải đối mặt với nguy cơ bị diệt chủng bởi chế độ Pol Pot Ieng Sary - Khieu Samphan. Sự tàn bạo của tập đoàn Pol Pot Ieng Sary - Khieu Samphan đối với nhân dân Campuchia cũng như những cuộc tấn công quy mô lớn, liên tục của lực lượng quân đội “Campuchia Dân chủ” vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, giết hại nhiều người dân Việt Nam, một lần nữa đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân hai nước cùng kề vai, sát cánh chống lại chế độ diệt chủng hết sức man rợ.

Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1993 của Campuchia, quan hệ giữa hai nước chuyển sang một giai đoạn mới, phù hợp với tình hình của mỗi nước và bối cảnh quốc tế. Lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định quyết tâm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc.

Năm 2005, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo hai nước nhất trí quyết tâm phát triển quan hệ hai nước theo tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, nâng tầm từ “hợp tác nhiều mặt” lên “hợp tác toàn diện”. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa hai nước vừa phát triển theo chiều rộng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến kinh tế, văn hóa - xã hội, từng bước đi vào chiều sâu, hướng tới các thỏa thuận mang tính chiến lược, lâu dài, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, có thể thấy, dù trải qua không ít thăng trầm nhưng những sự kiện lịch sử về sự đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước cho thấy mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Campuchia vẫn không ngừng được vun đắp và phát triển, trở thành “tài sản chung quý báu của hai dân tộc và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước” đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu về Mối quan hệ Việt Nam - Campuchia đăng trên Báo Nhân Dân điện tử, ngày 6/12/2011. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân hai nước, xuất phát từ thực tiễn lịch sử “vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau” đã được lãnh đạo hai bên nhiều lần khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia.

Hợp tác toàn diện, cùng có lợi, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả

Ngày nay, Việt Nam và Campuchia đều đã có hòa bình, độc lập; quan hệ hai nước bước sang giai đoạn hợp tác toàn diện, cùng có lợi, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

tbt-tiep-thu-tg-cpc.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Campuchia Samdech Techo Hunsen dẫn đầu đoàn đại biểu thăm chính thức Việt Nam hồi đầu tháng 10/2019.

Về hợp tác chính trị - ngoại giao, hai nước thường xuyên duy trì truyền thống trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân. Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước; đồng thời, nhiều văn kiện đã được ký kết, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, như: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ngày 5/10/2019, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 22/12/2020); Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ngày 21/1/2013, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 9/10/2014),…Kể cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm qua, hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp giữa hai nước không thể thực hiện được, song hai bên vẫn thường xuyên duy trì quan hệ chính trị thông qua các kênh tiếp xúc, như hội đàm, gửi thư thăm hỏi, tích cực chia sẻ, hỗ trợ nhau các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch bệnh. Chuyến thăm gần đây nhất của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Campuchia tháng 12/2021 như một minh chứng cho mối quan hệ truyền thống giữa hai nước càng thêm bền chặt.

Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, hai nước cũng thường xuyên thực hiện tham vấn chính trị, chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECs), Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS),... góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển ở khu vực và toàn cầu.

Trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hai bên kiên định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này gây phương hại cho an ninh và lợi ích của nước kia. Nếu như trước năm 1992, quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Campuchia chủ yếu phát triển theo hướng Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ Campuchia, thì đến nay, đã mang tính hai chiều, thể hiện đúng tính chất của mối quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác năm năm, cũng như kế hoạch hợp tác hằng năm giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Việt Nam với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Campuchia, hai bên cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là các hoạt động xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, biên giới, lãnh thổ để chia rẽ, phá hoại quan hệ hai nước; chủ động mở rộng thế trận an ninh “từ xa”, tạo dựng, củng cố phòng tuyến “an ninh biên giới” vững chắc, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm về ma túy, buôn bán trẻ em... Tháng 10/2019, sau khi ký kết hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, đến nay, Việt Nam và Campuchia đã xây dựng 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, phân giới 1.044km trên tổng số 1.258km và hiện đang tiếp tục đàm phán giải quyết 16% còn lại. Hai bên cũng tích cực triển khai Thỏa thuận về tìm kiếm quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ các Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia.

Về phương diện kinh tế, hai bên đã ký kết Hiệp định kinh tế - thương mại từ năm 1998, gần đây phát triển tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nếu như năm 1998, kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước chỉ đạt 117 triệu USD, thì đến năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 10 tỷ USD tăng 79,1% so với năm 2020; trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Việt Nam được Campuchia cho hưởng thuế xuất - nhập khẩu 0% áp dụng đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia. Ngược lại, Việt Nam cũng dành ưu đãi đặc biệt thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 32 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.

tt-tiep-pho-thu-tuong-cpc.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng Men Sam An thay mặt Chính phủ Vương quốc Campuchia sang Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.

Lãnh đạo hai nước cũng cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia được phía Bạn đánh giá cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của sở tại.

Các hoạt động giao lưu, du lịch giữa hai nước, sau thời gian đình trệ vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bắt đầu khởi sắc trở lại, nhất là khi hai nước đã mở cửa hoàn toàn và nối lại các chuyến bay thẳng. Du khách Việt Nam tới Campuchia trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 46.000 lượt khách, đứng đầu trong số các nước có khách du lịch tới Campuchia.

Các lĩnh vực hợp tác khác như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - thể thao... tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Mỗi năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam; số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều.

Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia. Các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt. Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt. Trước hết, chuyến thăm diễn ra trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022” chào mừng 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, là dịp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước đi vào giai đoạn mới thực chất, hiệu quả và tin cậy hơn. Thứ hai, chuyến thăm đánh dấu việc nối lại hợp tác toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch…,giữa hai nước trong quá trình phục hồi kinh tế, từ đó cùng nhau phối hợp xây dựng nền kinh tế tự chủ, tăng cường năng lực chống chịu với các tác động bất lợi từ tình hình kinh tế chung.

Năm nay Campuchia đảm nhận vị trí chủ nhà các hội nghị ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí đa phương quan trọng. Vì thế, chuyến thăm của Thủ tướng là dịp để hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm, lập trường trên các vấn đề khu vực, quốc tế, hỗ trợ nhau trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt chúng ta sẽ thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ Campuchia đảm trách thành công vai trò chủ nhà ASEAN, cùng nhau đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của Cộng đồng ASEAN cũng như ở khu vực và trên thế giới.

Đây cũng là mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia tháng 7/2017: "Cho dù tình hình thế giới và khu vực có những đổi thay, song trước sau như một, Việt Nam luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình cùng với Campuchia giữ gìn, vun đắp mối quan hệ Việt Nam- Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn và vun đắp mối quan hệ Việt Nam- Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững