Giữ hồn Tết Việt trong gánh tò he

Vân Khánh|26/01/2023 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong ký ức của biết bao thế hệ người Việt Nam, tò he luôn là một món đồ chơi đặc biệt bởi nét tạo hình độc đáo và sắc màu rực rỡ. Tò he không chỉ đơn thuần là đồ chơi mà còn lưu giữ nét văn hóa dân gian từ xa xưa.

Món đồ chơi đậm nét văn hóa dân gian

Trong ký ức của người Hà Nội xưa, mỗi khi có dịp lễ, Tết đến lễ ở đền Ngọc Sơn hoặc Văn Miếu thường gặp những người thợ làm tò he bày gian hàng với những hình ảnh tò he rất phong phú như 12 con giáp, bộ tam đa, tứ linh, đĩa xôi, các loại hoa, mâm ngũ quả...

Người thợ chỉ cần sử dụng một cái vòng bằng nứa, một cái lược nhỏ (một đầu có răng, một đầu vót nhọn), một con dao nhỏ, một miếng sáp ong bắt đầu nặn tò he. Lần nào cũng vậy, bọn trẻ mê mải ngắm người thợ làm tò he “biến hóa” những cục bột nhỏ xinh thành những hình thật sống động, ngộ nghĩnh. Cầm chiếc que tre mộc mạc có cắm hình tò he bên trên, những đứa trẻ hồn nhiên vừa ngắm, vừa hít hà hương vị bột nếp phảng phất hương thơm của đồng quê. Một trong những điều thích thú về món đồ chơi này là bởi sau khi chơi chán, có thể ăn được.

to-he-1.jpg
Người nghệ nhân bên gánh hàng tò he.

Bột để làm tò he được làm từ gạo nếp, gạo tẻ trộn đều, ngâm nước, sau đó xay nhỏ, nhào kỹ đến khi không dính tay rồi nắm thành từng nắm nhỏ đem luộc chín. Theo các nghệ nhân, tỷ lệ trộn hai loại gạo và luộc bột là khâu quan trọng nhất. Bột phải dẻo, dễ nặn nhưng không được dính tay. Nếu làm bột không tốt, tò he thiếu độ kết dính và có thể bị rơi khỏi que tre khi thực hiện tạo hình.

Sau khi bột luộc xong sẽ được đem “đấu màu”. Cách tạo màu của người làm tò he rất độc đáo và không bao giờ sử dụng hóa chất. Người dân thường sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật. Màu đỏ lấy từ quả gấc hoặc cây dành dành, màu vàng làm từ củ nghệ hoặc hoa hòe, màu xanh lấy từ lá riềng hoặc lá chàm, màu đen dùng cây nhọ nồi. Từ những màu cơ bản này, người thợ còn pha chế, sáng tạo ra các màu trung gian khác thật hài hòa cho tò he.

Ở một số vùng miền, tò he còn được gọi là “con bánh” bởi các nghệ nhân thường nặn thành hình mâm cỗ, mâm ngũ quả để dâng cúng lên đình, chùa và gia tiên. Tò he được coi là một nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng Bắc Bộ. Ngày nay, tò he được lưu giữ bởi các nghệ nhân làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, sự tỉ mẩn, tạo hình được nhiều sản phẩm tò he độc đáo được nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích. Những ngày cuối tuần, khi đến phố đi bộ Hồ Gươm, bạn có thể chứng kiến những khách hàng trầm trồ thán phục khi dõi theo các động tác tạo hình khéo léo của người thợ làm tò he. Gần đây, một số nghệ nhân của làng Xuân La đã được mời xuất ngoại để giới thiệu với bạn bè quốc tế thú chơi đậm nét văn hóa dân gian của Việt Nam.

Năm tháng trôi đi, nhiều người vẫn mãi nhớ về những con tò he rực rỡ sắc màu, thơm thơm mùi bột nếp. Có lẽ, trong tất cả những món đồ chơi, tò he được lưu dấu trong ký ức của nhiều người bởi sự bình dị, mộc mạc và tính nghệ thuật độc đáo.

Bởi thông thường tò he có hình dáng các con vật gắn liền với nghề nông truyền thống: Trâu, bò, lợn, gà… ngộ nghĩnh, hoặc hình tượng các nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian mà trẻ em yêu thích.

Tò he có sức hấp dẫn kỳ lạ, không chỉ đối với trẻ nhỏ. Ngày nay, tò he đã phong phú hơn nhiều với vô vàn hình thù khác nhau phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng” nhí” như các siêu anh hùng Batman, Người Nhện… đến các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Doraemon, Pikachu, Bạch Tuyết, công chúa Elsa...

Cuộc sống hiện đại ngày nay với nhiều đổi thay, những thứ đồ chơi hiện đại đang dần thay thế những trò chơi dân gian. Thế nhưng, trải qua những thăng trầm lịch sử, những con thú, đồ chơi tò he vẫn giữ được sức cuốn hút đến bây giờ, một phần bởi tình yêu của những người làm ra, một phần bởi nhiều người vẫn luôn trân trọng những vẻ đẹp bình dị, xưa cũ, ấm áp về ký ức của Tết xưa.

Có một giai đoạn tò he bị lãng quên. Khoảng từ năm 2000 trở lại đây, tò he Xuân La mới thực sự có mặt trở lại. Yêu nghề, nhạy bén thay đổi mẫu mã, sáng tạo, các nghệ nhân Xuân La được mời xuất ngoại ngày một nhiều để giới thiệu với bạn bè quốc tế thú chơi đơn giản nhưng đậm nét văn hóa dân gian, truyền thống Việt Nam.

Gánh tò he ngày Tết

Vào vụ Tết từ tờ mờ sương, ngày nào nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng tay thúng, tay mẹt kẽo kẹt chở gánh tò he từ làng Xuân La (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) vào trong nội đô.

Không khí Tết đến, Xuân về gõ cửa từng căn nhà, góc phố. Bên một góc đường anh Hậu ngồi lọt thỏm với gánh tò he nhỏ xinh của mình.

Trước đây nghề làm tò he còn thịnh, người dân làng Xuân La tản mát khắp mọi nơi thổi hồn Tết vào trong những hình thù dung dị và gần gũi. Bây giờ, trẻ con thành phố mấy ai còn chơi tò he. Chúng bận với những trò chơi công nghệ từ những chiếc iphone, ipad... vì thế nghề làm tò he cũng mai một đi nhiều.

Thi thoảng một vài du khách nước ngoài tò mò dừng lại trước gánh tò he của anh Hậu. Họ chỉ trỏ và nói với nhau bằng ngôn ngữ mà anh không hiểu được. Thấy khách anh ngước nhìn rồi nhoẻn miệng cười: “Khách nước ngoài họ chú ý đến gánh tò he của tôi đa phần vì họ tò mò và muốn tìm hiểu chứ chẳng mấy khi họ mua.

Bên cạnh những mặt hàng và tạo hình truyền thống anh Hậu cũng cố gắng tái hiện hình ảnh của những con vật đại diện của từng năm.

Giữa cái lạnh se sắt của Hà Nội ngày đông, phố phường ồn ào và đầy màu sắc, gánh tò he của anh Hậu mang một phong vị rất riêng. Đó là hồn cốt dân tộc được nhào nặn bởi đôi bàn tay của người nghệ nhân. Anh Hậu cẩn thận và chăm chút trong từng động tác vê bột, tỉa bột cho đến tạo hình.

Tạo hình phóng túng, không hoàn toàn mô phỏng tự nhiên, những nét hai bên thân như một sự ngẫu hứng, vui vui. Theo ông nội đi bán tò he từ nhỏ đối với anh Hậu, gánh tò he không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là nghiệp của gia đình. “Gánh tò he như sinh mệnh và linh hồn của gia đình tôi, làng của tôi” anh Hậu chia sẻ thêm.

Những năm gần đây nghề nặn tò he cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa ngoại quốc. Để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của khách hàng các nghệ nhân làm tò he sáng tạo các tác phẩm theo kịp thời đại như hình ảnh siêu nhân, siêu anh hùng... Điều này ảnh hưởng không ít đến giá trị văn hóa truyền thống và nghề làm tò he truyền thống.

Nghề truyền thống “độc nhất vô nhị” nặn tò he ở Hà Nội

Mặc dù nhiều năm trở lại đây món quà tuổi thơ “tò he” đã ít xuất hiện, cũng không còn được ưa chuộng giữa vô vàn trò chơi hiện đại khác nhưng thật bất ngờ, giữa lòng Thủ đô Hà Nội vẫn còn tồn tại một làng nghề truyền thống lưu giữ nét đẹp dân gian này.

Đó là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Đây cũng là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam và là một mảnh ghép không thể thiếu của văn hóa Hà Nội. Trải qua những giai đoạn chuyển mình to lớn của đất nước, những tưởng nghề nặn tò he ở Hà Nội sẽ chẳng thể bền vững nhưng nhờ mối nhân duyên đặc biệt với tò he các nghệ nhân vẫn không ngừng sáng tạo, thổi hồn vào mỗi sản phẩm để trụ lại với nghề. Hầu hết cả làng Xuân La ai ai cũng biết nặn tò he, từ em bé cho tới những cụ già lớn tuổi.

Làng nghề Xuân La đã tồn tại từ khoảng 300 năm trước và những con tò he chưa bao giờ thiếu vắng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Vào mỗi ngày hội làng, ngày rằm tháng Giêng hàng năm đều có hội thi tay nghề nặn tò he cho các nghệ nhân, thợ giỏi. Ngoài ra câu lạc bộ tò hè được thành lập trong làng cũng đã đi biểu diễn, giao lưu văn hóa với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ. Những sản phẩm tò he vượt qua biên giới xuất hiện ở các chương trình giới thiệu, trao đổi văn hóa đã tô đậm thêm nét đẹp văn hóa Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Các nghệ nhân, thợ nghề chúng ta gặp trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường và xuất hiện nhiều vào dịp Tết Trung thu, hay những nơi nào có đình đám, hội hè. Dần dần, những chiếc thùng gỗ chứa nguyên liệu nặn tò he theo chân nghệ nhân xuất hiện trên khắp các nẻo đường của đất nước, từ Bắc vào Nam.

Từ bao đời nay, nghề nặn tò he ở Hà Nội đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam. Mỗi ngày, những con tò he vẫn không ngừng ra đời dưới những đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của nghệ nhân làng Xuân La. Món đồ chơi này không còn chỉ dành cho trẻ em mà cũng đã trở thành một nét đẹp trong nền văn hóa của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Nặng lòng với gánh tò he truyền thống

Gánh tò he của anh Hậu ngày nào cũng chào đón một vị khách đặc biệt đó là nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách. Dưới tán đa già góc phố, hai mái đầu hoa râm, một già, một trẻ chăm chú tạo hình đặc trưng của dòng tranh Kim Hoàng.

to-he.png
Thấy tò he là thấy Tết.

Cũng theo anh Hậu: “Mặc dù hiện nay ít người chơi tò he nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì gánh tò he như một bản sắc của gia đình. Qua mỗi năm mình lại tìm tòi các chủ đề và tạo hình sao cho phù hợp”.

Vừa nặn anh Hậu vừa chăm chú lắng nghe những lời hướng dẫn của ông Bách, chốc chốc lại lướt smartphone để tìm lại hình ảnh cũng như màu sắc của hình ảnh trong bức tranh Kim Hoàng xưa.

Hơn 10 năm trước, lần đầu tiên ông Bách gặp anh Hậu trong một quán gánh tò he của ông ngoại Hậu. Cậu bé nhỏ nhắn và khéo tay ngay lập tức thu hút sự chú ý của ông. Linh tính của một người làm nghiên cứu văn hóa lâu năm mách bảo đây chính là người mình cần tìm. Ngoài năng khiếu và hoa tay ông Bách còn đặc biệt quý anh Hậu bởi Hậu là người quý trọng văn hóa cha ông. Năm Nhâm Thìn lần đầu tiên hai người kết hợp để cho ra mẫu tạo hình rồng đuôi nở hậu nhà Nguyễn và có cả cặp long giáng, long thăng, đôi rồng tò he đã phổ biến từ đó đến nay.

Những chiếc tò he có giá chỉ khoảng 10.000 đồng, nhỏ xinh lại chứa đựng một ý nghĩa và tâm nguyện vô cùng lớn của hai con người mong muốn lưu giữ văn hóa truyền thống trong gánh tò he.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách giải thích: “Nếu tranh Đông Hồ là in, tranh Hàng Trống là in và tô màu bằng phẩm; thì tranh Kim Hoàng (tên khác là tranh đỏ vì dùng loại giấy màu hồng điều hoặc vàng tàu) lại là sự kết hợp giữa in, tô và vẽ. Kỹ thuật ấy đã khiến tranh Kim Hoàng uyển chuyển về nét vẽ, phong phú về tạo hình. Vì là vẽ trên những bức tranh để đưa ra chợ nên những người thợ Kim Hoàng vẽ rất nhanh, linh hoạt kiểu quen tay như vẽ trên đồ gốm sứ”.

Gánh tò he càng về trưa càng đông người qua lại, họ chỉ trỏ, ngắm nghía những con tò he rực rỡ sắc màu. Ông Bách đưa cả bức vẽ chì, cả hình trong tranh cổ lẫn tò he ra giới thiệu, giải thích với họ bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Gánh tò he anh Hậu cứ thế rạo rực và rôm rả, sắc màu rực rỡ sáng cả một góc Hồ dường như báo hiệu: Hình như Tết đã về!

Ông Bách hay anh Hậu là 2 trong số những người nung nấu mong muốn làm sao để tò he mãi là món đồ chơi dân gian, níu giữ hồn Việt mãi qua các thế hệ mai sau thì từ khi Hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần, tò he đã trở thành “đặc sản”. Dãy tò he sặc sỡ sắc màu như cổ tích của người Xuân La chưa khi nào làm trẻ nhỏ thôi háo hức, khách phương xa trầm trồ. Vào mỗi dịp lễ, Tết, những “gánh” tò he này thực sự trở thành trung tâm, khơi gợi cảm xúc, ký ức và tuổi thơ của biết bao người Hà Nội.

Khi được du khách nước ngoài yêu cầu nặn cái gì, các nghệ nhân đều đáp ứng được ngay với các tiêu chuẩn: Nhanh, đẹp, màu sắc bắt mắt, sinh động khiến khách vô cùng thích thú, thán phục và thừa nhận tò he mang đậm bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt Nam.

Để tò he còn mãi với thời gian

Về làng Xuân La (Hà Nội) dịp cận Tết, đập vào mắt là cảnh đàn ông chuẩn bị hòm gỗ, xe đạp, quần áo để đi xa. “Tết là dịp mọi người về quê sum họp, nhưng lại là mùa để người Xuân La xa gia đình, sau đó mới về ăn Tết muộn”, anh Đặng Văn Nhơn, 30 tuổi, nói.

Ở làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), họ Đặng là một chi rất lớn. Những năm 2000, trong làng có cụ Đặng Văn Tố được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian. Tuổi thơ những đứa trẻ vùng quê này quá quen thuộc với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ thỉnh thoảng ngồi trước cổng trường nặn Tôn Ngộ Không, các con giống, hoa, lá… để làm vui lũ học trò. Cụ Tố từng đại diện cho những làng nghề Việt Nam đi biểu diễn nặn tò he ở khắp các hội chợ, lễ hội trong Nam, ngoài Bắc. Thậm chí, ở cái tuổi gần 90 cụ còn được mời đi nước ngoài để nặn tò he.

Những người già, trung tuổi ở làng Xuân La có hòm đồ nghề đã đành, kể cả đám thanh niên đi học đại học có nghề nghiệp đàng hoàng cũng vẫn có hòm đồ nghề nặn tò he.

Được nghỉ Tết, mọi người sẽ chuẩn bị bột, chiếc hòm hình chữ nhật, bên trong có một chiếc lược nhỏ, những que vót khoảng 20 - 30 phân (cm), ba cục bột to đánh với ba màu cơ bản để chuẩn bị làm ăn. Người đi gần thì đến các làng lân cận, xa hơn thì đến Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí cả đất mũi Cà Mau.

Người Xuân La gắn bó với nghề tò he bất kể thời cuộc. Trẻ con cứ 7 - 8 tuổi là nặn tò he giỏi. Họ đi khắp nơi trên mọi miền của Tổ quốc.

Năm 2005, ông Nguyễn Văn Thuận đã sang Nhật để nặn tò he trong một triển lãm tại đây. Ông nặn thầy trò Đường Tăng, xe loan, công, phượng, … Nhưng người Nhật nghi ngờ công việc của ông là bắt chước theo một mô típ có sẵn. Họ yêu cầu phiên dịch đề nghị ông nặn hình con Pokemon của họ. Ông Thuận, một người đàn ông thuần nông, suốt ngày đạp xe bạc mặt ngoài đường, hết mùa lễ hội về quê cấy lúa, làm gì có thời gian xem phim hoạt hình mà biết Pokemon. Nhưng ông nhìn tranh và nặn ra một con Pokemon có hồn hơn cả bức ảnh. Những người có mặt đã xúm lại quầy tò he của ông để đợi ông nặn những hình theo mong muốn.

Đã có thời, tò he còn bị cấm vì Nhà nước cho rằng nghề đó gây lãng phí. Mỗi ngày một người nặn tò he của làng Xuân La sẽ đổ đi ít nhất 1kg gạo nếp, mà làng có khoảng hơn 200 người đi nặn tò he. Vậy nên chơi tò he bị coi là thú chơi không tiết kiệm.

Mộc mạc, bình dị nhưng đã vượt lên trên giới hạn của một nghề mưu sinh, nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục cho nhiều thế hệ tuổi thơ ở khắp mọi miền đất nước về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt. Mong rằng, nghề làm tò he sẽ luôn được lưu giữ và ngày một phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ hồn Tết Việt trong gánh tò he