Theo cảnh báo của Viện Khí tượng Hà Lan (KNMI), mực nước biển dâng ở ngoài khơi nước này nói trên sẽ diễn ra nếu các nước không giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong báo cáo, KNMI nêu rõ, nếu các nước không giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, mực nước ngoài khơi Hà Lan có thể tăng 1,2m vào năm 2100 so với đầu thế kỷ này, thậm chí lên tới 2m nếu tình trạng băng tan ở Nam cực gia tăng. Trước đó, năm 2014, KNMI dự báo mực nước biển Hà Lan có thể tăng cao nhất là 1m.
Cảnh báo trên được KNMI đưa ra dựa trên báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố vào tháng 8 và nghiên cứu của chính tổ chức, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland).
Hà Lan đối mặt nguy cơ “nghiêm trọng hơn dự tính”. (Ảnh: weforum.org)
Cùng chung nhận định với IPCC, KNMI cho rằng, khí hậu Hà Lan đang thay đổi nhanh chóng. Theo cơ quan nghiên cứu này, Hà Lan có thể phải trải qua mùa xuân và hè khô hạn hơn, đồng thời hứng chịu những cơn mưa dữ dội hơn. Khí hậu Hà Lan sẽ trở nên giống với khí hậu vùng Nam Âu, vốn ấm hơn nhiều so với khu vực Bắc Âu.
Với khoảng 33% lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, Hà Lan đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do tình trạng ấm lên của Trái đất nhưng đây cũng là một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất ở châu Âu. Các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, khoảng 60% diện tích của Hà Lan dễ bị ngập lụt, bao gồm cả bờ biển và các khu vực gần sông. Do đó, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Hà Lan cần có những lựa chọn quyết liệt trong quy hoạch không gian nhằm kiềm chế hậu quả của biến đổi khí hậu.
Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao mà Hà Lan đang phải đối mặt nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ trước đây, buộc quốc gia nằm ở vùng đất thấp này phải hành động khẩn cấp để tự bảo vệ mình. Đây là cảnh báo của Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander ngày 21/9, trong bài phát biểu hàng năm khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Nhà vua Willem-Alexander nêu rõ: “Biến đổi khí hậu rõ ràng là vấn đề cấp bách nhất. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và nghiêm trọng hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây”.
Nhà vua Hà Lan nhắc tới các trận lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Limburg, miền Nam nước này vào tháng 7 vừa qua, cho rằng thiên tai này buộc Chính phủ phải rà soát và thúc đẩy các biện pháp đã được lên kế hoạch. Ông nhấn mạnh, trong những năm tới, Hà Lan chắc chắn cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm Trái đất ấm lên
Với khoảng 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển, Hà Lan từ lâu vẫn là quốc gia dễ bị ngập lụt nghiêm trọng. Hà Lan, vốn nằm trong số những nước có lượng khí thải tính theo đầu người lớn nhất châu Âu, dự kiến dành khoảng 7 tỷ Euro trong kế hoạch ngân sách năm tới để tăng tính bền vững, chống chịu với thiên tai của các gia đình và doanh nghiệp.
Huyền Trang