Hà Nội: Chất lượng không khí đột ngột giảm mạnh

Mai Anh|27/08/2020 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội sáng 27/8 giảm mạnh so với cùng thời điểm hôm qua. Chỉ số tại nhiều khu vực ở mức trung bình và kém.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, vào lúc 8h00 hôm nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nhiều khu vực tăng đột biến lên mức cảnh báo kém như: Khu vực Hàng Đậu ở mức 132, Chi cục Bảo vệ môi trường 125, Minh Khai 121, Phạm Văn Đồng 120, Thành Công 117…

Ở ngoại thành, chỉ số AQI cao nhất là khu vực thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), ở mức 130, thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) là 102. Các khu vực khác có chỉ số ở mức trung bình và tốt.

Chất lượng không khí ở Hà Nội đột ngột giảm mạnh. Ảnh minh họa

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, chất lượng không khí sáng nay giảm mạnh do hình thái thời tiết thay đổi: Trời âm u, độ ẩm trong không khí cao, lưu lượng gió thấp nên các chất ô nhiễm không khuếch tán được. Hơn nữa, vào giờ cao điểm buổi sáng, lượng lớn khí thải do phương tiện tham gia giao thông tăng cao đã khiến chất lượng không khí nhiều khu vực trên địa bàn thành phố giảm về mức kém và trung bình.

Tuy nhiên, chất lượng không khí sẽ được cải thiện trở lại vào trưa và chiều nay, khi nhiệt độ tăng cao, trời nắng, quang mây…

Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 27/8, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Chỉ số tia cực tím (UV) là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0-2 được xem là thấp, chỉ số UV từ 8-10 có thời gian gây bỏng là 25 phút, đối với chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ; chỉ số tia cực tím ở mức 12 là mức nguy hiểm cực độ.

Việc tiếp xúc quá lâu với tia UV sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Tia UV gây đứt gãy các liên kết giữa các phân tử, góp phần làm đột biến cấu trúc DNA và RNA trong nhân tế bào, đây là nguyên nhân chính gây ung thư các dạng như u hắc tố, ung thư liên bào đáy, u tế bào vảy, u tuyến bã… Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học tin rằng việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Chất lượng không khí ở mức trung bình và kém như sáng nay có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp. Do đó, để bảo vệ sức khỏe bản thân, mọi người hạn chế ra ngoài trời và thường xuyên đeo khẩu trang đạt chuẩn an toàn khi ra đường.

Mai Anh

Bài liên quan
  • Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Quốc khánh 2-9
    Moitruong.net.vn – Sở Du lịch Hà Nội vừa yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố bảo đảm môi trường du lịch an toàn, đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Quốc khánh 2-9.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Chất lượng không khí đột ngột giảm mạnh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.