VIDEO: Hà Nội “đòi” vỉa hè cho người đi bộ, nhưng còn nhiều bất cập
Gần đây, nhiều khu vực vỉa hè ở Hà Nội như đường Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Nghiêm Xuân Yêm, Lê Trọng Tấn… đã được cơ quan chức năng dựng hàng rào sắt để ngăn các phương tiện giao thông đi lên. Tuy nhiên, việc thiết kế chưa đồng bộ nên nhiều người dân gặp khó khăn khi di chuyển qua rào chắn vì phần rào xếp so le khá hẹp, đặc biệt đối với người khuyết tật hoặc xe đẩy trẻ em.
Nhiều “điểm nóng” giao thông ở Hà Nội được rào vỉa hè
Tại phần vỉa hè trước cổng Trường Đại học Thương mại trên đường Hồ Tùng Mậu, phần rào chắn còn “bịt” luôn lối sang đường của người đi bộ. Do rào chắn được dựng sát mép đường nên xuất hiện tình trạng người dân đỗ xe máy, đứng chờ dưới lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Rào vỉa hè để ngăn các loại phương tiện giao thông, bảo vệ người đi bộ
Bạn Lê Tiểu Yến Nhi, sinh viên Trường ĐH Thương mại cho biết: “Em thấy việc rào lại vỉa hè này rất tốt. Lúc giờ cao điểm, sinh viên tan học đi bộ trên vỉa hè rất nhiều, nếu không có rào chắn thì các xe máy đi lên vỉa hè rất nguy hiểm cho người đi bộ. Tuy nhiên, có một đoạn là lối đi sang đường bên kia bị bịt kín, nếu muốn sang đường thì phải chèo qua rào, rất bất tiện và nguy hiểm cho các em nhỏ.”
Phần rào vỉa hè “bịt’ lối sang đường đang được khắc phục, tháo dỡ
Trên đường Phạm Hùng, đối diện Bến xe khách Mỹ Đình, phần vỉa hè cũng được rào chắn để “bảo vệ” người đi bộ. Mặc dù trên biển báo ghi lối đi dành cho người đi bộ và xe lăn, người khuyết tật. Nhưng phần rào so le thiết kế quá hẹp, các loại xe lăn, hay xe đẩy em bé rất khó mà đi qua được.
Trên đường Phạm Hùng thường xuyên xảy ra tình trạng người dân đậu xe dưới lòng đường chờ xe khách
Anh Đinh Phú Nhị, lái xe ôm công nghệ cho biết: “Việc rào chắn vỉa hè này thì ngăn được các xe máy đi lên vỉa hè lúc giờ cao điểm, nhưng nó sát lòng đường quá, nhiều khi người dân đứng chờ xe hay chờ lấy đồ phải đứng dưới lòng đường rất nguy hiểm. Ở 2 đầu ra vào thiết kế hẹp, người đi lại phải lách qua chứ xe lăn hay xe đẩy làm sao đi qua được, gây nhiều bất tiện cho người đi bộ mà phải xách theo đồ đạc hay xe đẩy. Theo tôi cần làm lùi vào 1 mét so với lòng đường để người dân có chỗ đứng an toàn, và làm thấp hơn một chút cho trẻ em, hay người già có thể bước qua được.”
Điểm ra vào được thiết kế so le nhưng rất hẹp, gây khó cho xe lăn và xe đẩy
Theo ghi nhận của phóng viên, ở các nhà chờ xe buýt, hàng rào chắn đều được thiết kế phù hợp để hành khách ra vào đón xe buýt thuận lợi. Tuy vậy, vẫn có nhiều người đứng dưới lòng đường tại một số điểm chờ xe buýt để đón xe khách đi các tỉnh, dẫn đến tình trạng lộn xộn, gây mất an toàn ở một số nơi có rào chắn. Bên cạnh đó, việc rào vỉa hè cũng dẫn đến tình trạng nhiều người dân lấn chiếm kinh doanh trà đá, quán nước, hoặc tập kết rác thải, vật liệu,… trên vỉa hè.
Các quán trà đá, quán nước vô tư mở bán trên vỉa hè đã được rào
Theo đại diện Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) – đơn vị lắp đặt hàng rào chắn trên vỉa hè cho biết: Đây là phương án trước mắt để hình thành ý thức cho người tham gia giao thông ở các điểm nóng ùn tắc. Về lâu dài, việc lắp đặt nhiều các rào chắn không phải là phương án tối ưu, mà cần phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn.
Thế Đoàn