Hà Nội: Dự án cải tạo 3km mương Thụy Khuê kéo dài nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện

Hoàng Bằng|11/06/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự án cải tạo hệ thống mương thoát nước Thuỵ Khuê kéo dài 3km được triển khai từ 2012 với tổng vốn là 400 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Dự án Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê được khởi công từ năm 2012 với tổng số vốn lên đến 400 tỷ đồng do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công.

W_anh1d.jpg
Mương thoát nước Thụy Khuê dài khoảng 3km và là kênh thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ.

Đây là dự án cống hóa với quy mô mặt cắt ngang rộng 9 -11m, hai làn xe cơ giới, hệ thống chiếu sáng, thoát nước được thiết kế đồng bộ. Dự án liên quan đến 325 hộ dân thuộc ngõ 67 đường Thụy Khuê, trong đó có 23 hộ trong diện giải phóng mặt bằng phải di dời toàn bộ diện tích nhà đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả khu vực vẫn tồn đọng tình trạng vật liệu, phế thải nằm ngổn ngang, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Ở đoạn mương từ dốc Tam Đa đến trước ngõ 167 Thụy Khuê dù đã được cống hóa song việc đi lại của các hộ dân gặp nhiều khó khăn do mặt đường lồi lõm, nham nhở, ngổn ngang rác, phế thải, vật liệu xây dựng khiến khu vực này thường xuyên xuất hiện tình trạng khói bụi mù mịt.

Đến thời điểm này, tại đây vẫn còn tồn tại 34 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng (8 trường hợp phải bố trí tái định cư, 21 trường hợp đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ nhưng chưa bàn giao mặt bằng, 5 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ, chưa bàn giao mặt bằng). Dự án đã thực hiện các đoạn tuyến đã giải phóng mặt bằng (khoảng 84% cống hộp bê tông và 80% tổng khối lượng di chuyển hạ tầng kỹ thuật).

W_anh2d.jpg
Theo kế hoạch, dự án sẽ cống hoá mương Thuỵ Khuê bằng hệ thống cống hộp, có vỉa hè 2 bên cùng hệ thống cấp nước và chiếu sáng đồng bộ.

Theo ghi nhận của PV, nước dưới mương chủ yếu là nước thải sinh hoạt cộng với rác do người dân xả trực tiếp xuống khiến cho dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh, khó chịu. Ngoài ra, do khu vực còn tập trung một số hộ chế biến thực phẩm nên chất thải được đẩy xuống lòng mương ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, ở một số đoạn, ngõ đi chung của người dân trên bờ mương rất chật hẹp, lại không có hàng rào che chắn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, nhất là vào sáng sớm, buổi tối.

Bà Nguyễn Thanh Phương (người dân sinh sống tại ngõ 125 Thụy Khuê) cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tiến độ ì ạch của dự án lên các cơ quan chức năng, tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng của các cấp chuyên ngành. Ngoài việc phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng, chúng tôi còn lo lắng về nguy cơ phát sinh bệnh tật do ruồi muỗi, chuột bọ hoành hành”.

W_anh3d.jpg
Nhiều năm nay, người dân phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) phải sống chung với con mương ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

Theo UBND quận Tây Hồ, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án liên quan đến 16 căn hộ tái định cư chưa được nhận nhà tái định cư dẫn đến chưa thể bàn giao mặt bằng. Quỹ nhà tái định cư của dự án được bố trí tại Nhà CT2 Khu tái định cư Xuân La. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư xây dựng tòa nhà là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) Công trình Dân dụng và Công nghiệp Thành phố vẫn chưa hoàn thành công tác bàn giao công trình để đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, công trình được tổ chức thi công trên cơ sở hiện trạng tuyến mương thoát nước Thụy Khuê nằm xen kẽ trong khu dân cư, phải thi công theo tuyến độc đạo dọc mương, mặt bằng thi công chật hẹp, vừa thi công vừa phải đảm bảo dẫn dòng thoát nước, vừa phải đảm bảo an toàn kết cấu công trình còn lại liền kề của người dân. Các trường hợp tái định cư nằm tại vị trí các đầu nút tuyến đang chờ nhận nhà tái định cư gây khó khăn đường vào tiếp tục thu hồi mặt bằng và tổ chức thi công các đoạn ở trong.

Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án, UBND quận Tây Hồ đã đề xuất phối hợp hỗ trợ Ban QLDAĐTXD Công trình Dân dụng và Công nghiệp Thành phố trong việc cải tạo, khắc phục những tồn tại Nhà CT2 Khu tái định cư Xuân La để có quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2023.

Khẩn trương thực hiện công tác cưỡng chế hành chính thu hồi mặt bằng đối với các trường hợp chưa chấp hành bàn giao mặt bằng (trừ 8 trường hợp thuộc diện tái định cư), kể cả phương án phải tổ chức cưỡng chế, phấn đấu hoàn thành xong trong tháng 7/2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Dự án cải tạo 3km mương Thụy Khuê kéo dài nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện