Hà Nội: Khánh thành giai đoạn 1 nhà máy nước sạch lớn nhất miền Bắc

Hà An (T/h)|14/10/2018 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MOITRUONG.NET.VNSáng 13/10, Thành phố Hà Nội đã chính thức khánh thành, đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống và khởi công giai đoạn 2 của nhà máy này.

>>>Quảng Nam chi 36 tỷ đồng bảo vệ đảo Tam Hải khỏi xâm thực của biển

>>>Thống nhất cơ chế chính sách hỗ trợ cho vay thực hiện dự án cấp nước sạch tại Hà Nội

Các đại biểu khởi công giai đoạn 2 Nhà máy nước mặt sông Đuống. (Ảnh Báo ĐCS)

Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng và lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh…

Về phía đại biểu quốc tế có sự tham dự của: Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam – ông Kim Do-Huyn, Đại sứ Vương quốc Oman tại Việt Nam – ông Sultan Saif Al Mahruqi, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam – ông Lekgoro Mpetjane Kgaogelo, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam ông Wolfgang Manig.

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được khởi công ngày 9/3/2017, xây dựng trên diện tích hơn 64 hécta tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư. Dự án có công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngày đêm; các tuyến ống truyền dẫn cấp I với tổng chiều dài lên tới 60 km, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng.

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ đầu tư đã quyết tâm rút ngắn thời gian từ 3 năm xuống còn 19 tháng.

Toàn cảnh Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nhà máy nước mặt sông Đuống là dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc, khi đi vào vận hành nhà máy đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông Bắc và phía Nam thành phố Hà Nội và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên) với tiêu chuẩn nước uống tại vòi.

Với mục tiêu phát triển bền vững, nhà máy đang nghiên cứu và sẽ áp dụng các giải pháp tái sử dụng bùn thải cùng với việc tận dụng mặt bằng thuận lợi để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để tận dụng nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm chi phí.

Nhà máy nước mặt sông Đuống đạt kỷ lục về thi công phát nước. Chỉ trong 15 tháng, Nhà máy đã hoàn thành công tác xây dựng toàn bộ giai đoạn 1, bảo đảm công suất phát nước là 150.000 mét khối nước/ngày đêm theo đúng chuẩn cao nhất hiện hành của Việt Nam và quốc tế.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng, bao gồm 02 hợp phần chính gồm trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố tại Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

Nhà máy nước mặt sông Đuống đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân) và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Trước đó, 3 tuyến ống dẫn nước HDPE đường kính 1.000 mm với tổng chiều dài hơn 1.000 m vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo thiết kế, các tuyến ống dẫn nước từ nhà máy nước sạch tới khu vực dân cư phải vượt qua 3 con sông, trong đó 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đuống bằng phương pháp đánh chìm qua sông. Đây là một trong những hạng mục thi công quan trọng của giai đoạn 1 của dự án.

Đến nay, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn và với quy mô lớn nhất, đoạn đánh chìm qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200 m và qua lòng sông Hồng dài trên 500 m.

Hà An (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Khánh thành giai đoạn 1 nhà máy nước sạch lớn nhất miền Bắc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.