Trong vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Ánh, thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, luôn có một hố ủ phân hữu cơ được che đậy sạch sẽ. Cơm thừa, vỏ trứng, cọng rau, lá bánh... phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày đều được bỏ vào hố ủ, tưới thêm dung dịch men vi sinh pha theo tỷ lệ nhất định để ủ thành phân bón hữu cơ. Công nghệ ủ phân này không phát sinh mùi hôi, không sinh ra ruồi bọ, khuôn viên vườn nhà cũng gọn gàng, sạch sẽ hơn.
Chia sẻ về câu chuyện phân loại, xử lý rác tại nhà, chị Ánh cho biết: “Thời gian đầu do còn nhiều lúng túng chưa có kinh nghiệm nên phân bón bị ướt. Sau vài lần thực hiện, tôi đã làm thành công, đến nay rác sau khi xử lý thu được lượng phân bón tơi xốp, vừa phục vụ trồng trọt, vừa tiết kiệm chi phí mua phân hoá học”.
Nhận thấy lợi ích của việc phân loại, xử lý rác tại nhà, chị Ánh đã tham gia tuyên truyền tới từng hộ trong thôn. Chị hướng dẫn các chị em hội viên phụ nữ cùng tham gia, vận động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của thôn, ngoài ra còn dành thời gian đi kiểm tra tiến độ của từng hộ gia đình, sau đó mọi người cùng thảo luận, trao đổi chia sẻ những khó khăn vướng mắc để cùng nhau giải quyết và rút kinh nghiệm.
Còn theo bà Lê Thị Huế, thôn Nghĩa Vũ, cũng là Trưởng nhóm phân loại rác thải tại nguồn của thôn cho biết, hơn một năm nay, người dân thôn Nghĩa Vũ đã quen với việc thu gom, phân loại rác thải hữu cơ để ủ làm phân bón. Thôn có hơn 100 hộ sản xuất nông nghiệp nên đây là nguồn phân bón đáng kể cho cây trồng. Với các hộ không làm nông nghiệp thì rác hữu cơ được phân loại, bỏ vào thùng chứa đặt trên các tuyến đường do thôn bố trí để các hộ có nhu cầu lấy, ủ phân bón ruộng…
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, đến hết tháng 4/2022, trên địa bàn huyện đã có 23 xã, thị trấn triển khai chương trình phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai tới 100% hộ dân là: Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng; 20 xã, thị trấn còn lại đã chọn ít nhất một thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Đến nay, Đông Anh đã có 7.621 hộ dân thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Nhờ đó, lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn đã giảm đáng kể, tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí và góp phần làm cho làng quê thêm sạch, đẹp.
Không chỉ tại huyện Đông Anh, mới đây trong những ngày cuối tháng 3/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã Nghĩa Hương, Tân Hòa, Đại Thành… của huyện Quốc Oai đã ra mắt mô hình “Phụ nữ sống xanh” - phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Ngay khi mô hình được khởi động đã có 51 hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký tham gia. Tổ quản lý mô hình đã tới từng nhà hướng dẫn các hộ dân quy trình phân loại rác thải tại nguồn.
Cùng với các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn ở các huyện ngoại thành, việc phân loại rác cũng đang được thực hiện thí điểm sôi nổi tại các quận nội thành. Tại quận Hoàn Kiếm là chương trình đổi rác tái chế để nhận quà đang diễn ra vào cuối tuần do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tổ chức; dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”; Và mới đây nhất là dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” do Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng và Dow Việt Nam phối hợp thực hiện, đã được triển khai từ tháng 5/2022 và kéo dài tới hết tháng 6/2022.
Việc phân loại rác sinh hoạt cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông triển khai đến từng cơ sở hội và đã đi vào nền nếp. Từ nguồn quỹ này, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn quận đã trích hơn 800 triệu đồng mua nhu yếu phẩm và ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của quận Hà Đông. Tương tự, mô hình phân loại rác tại nguồn cũng bước đầu được triển khai tại các quận, huyện như: Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng…
Nói như vậy để thấy, sự quan tâm đến rác của người dân đang được các cấp, các ngành cùng chung tay cải thiện. “Rác” đang dần được đưa nếp nghĩ, nếp sống của mỗi người dân, không còn là thứ hoàn toàn bỏ đi./.