Hà Nội: Siết chặt quản lý hoạt động nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Minh Anh (t/h)|27/02/2020 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Công văn số 472/SNN-CCTS đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo vệ nguồn lợi và phòng chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, trong lĩnh vực tái tạo nguồn lợi, phục hồi môi trường sống của loài thủy sản và đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; duy trì hoạt động thả giống thủy sản tại các vùng nước ở địa phương nhằm khôi phục, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ảnh minh họa

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản tập trung rà soát, hỗ trợ chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp vùng thấp trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy định; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi thủy sản trái quy định. Hướng dẫn, triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi, đầu tư nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái tại các cơ sở nuôi trên địa bàn. Rà soát, nắm bắt cụ thể về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản cũng như tình hình sử dụng của người nuôi thủy sản trên địa bàn.

UBND các quận, huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương; bố trí kinh phí, dự trù vật tư, hóa chất, nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo quy định; tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Sở NN&PTNT lưu ý các địa phương chỉ đạo, đôn đốc nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của lực lượng thú y các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; kịp thời thông tin, tổng hợp, báo cáo về tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước tại các cơ sở nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội trong công tác tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ gia đình; lấy mẫu giám sát định kỳ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; rà soát, kiểm tra và hỗ trợ thiệt hại cho cơ sở nuôi trồng thủy sản (nếu có); cấp phát hóa chất khử trùng, tiêu độc; chế phẩm xử lý môi trường trên địa bàn theo quy định. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo đột xuất khi có dịch bệnh và báo cáo định kỳ theo quy định.

Các địa phương cần thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và khuyến khích thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực đảm bảo điều kiện. Chỉ đạo, đôn đốc các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản tại các thủy vực ngoài tự nhiên; các nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông các đối tượng thủy sản tại chợ, điểm kinh doanh, vùng nuôi thủy sản để thực hiện tốt việc nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, lưu thông và thả phóng sinh các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại…

Trong lĩnh vực quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quán ăn, nhà hàng, chợ, điểm kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình mua bán, nuôi, nhốt, tàng trữ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt tuyên truyền lên án mạnh mẽ các hành vi khai thác, buôn bán, tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Quản lý, truy xuất nguồn gốc các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hiện có tại các cơ sở nuôi trồng, kinh doanh thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý. Tổ chức cứu hộ kịp thời, đúng quy định hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền (Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, Chi cục Thủy sản Hà Nội) đối với trường hợp loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc mắc cạn; bàn giao mẫu vật đúng cơ sở có chức năng cứu hộ; tổng hợp báo cáo theo quy định.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan
  • Những người làm trong ngành Y và sự hy sinh thầm lặng
    Moitruong.net.vn – Trong cuộc sống, có rất nhiều ngành nghề đáng quý và cao cả, mỗi ngành đều có tính chất và đặc thù công việc riêng. Và những người làm bằng tay, tâm trí, trái tim và cả sự hi sinh thì đó chính là những người làm trong ngành Y.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Siết chặt quản lý hoạt động nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản