Ảnh minh họa
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội, số ca mắc sởi trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng. Toàn thành phố đã ghi nhận 261 trường hợp mắc sởi, trong đó một số quận, huyện có số mắc cao như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm. Dự báo, số ca mắc sởi có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Mặc dù trước đó, tháng 11/2018, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện còn một số đơn vị có kết quả tiêm chưa đạt yêu cầu như: Quận Đống Đa (63,2%), quận Hoàng Mai (93,9%).
Theo dự báo số mắc sởi có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy để chủ động phòng, chống dịch bệnh, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ trong diện tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm vét đủ mũi vắc-xin theo quy định. Tiếp tục tổ chức tiêm vét vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn nhằm đạt tỷ lệ chung trên 95% tại quy mô xã, phường, thị trấn.
Yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học thực hiện việc rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ đang theo học tại trường, đối với những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, nhà trường phải khuyến cáo để phụ huynh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục.
Phòng Văn hóa và thông tin tăng cường công tác thông tin, truyền thông về bệnh sởi và các dịch bệnh mùa xuân-hè; cách phát hiện, cách phòng chống. Đặc biệt tuyên truyền những đối tượng có nguy cơ cao, trẻ em cần đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi; người dân phải chủ động khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi mắc bệnh…
UBND TP yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế; tiến hành xử lý triệt để khu vực phát sinh bệnh nhân, ổ dịch theo quy định, không để dịch bùng phát, lan rộng.
Tăng cường công tác tiêm chủng phòng bệnh, tiêm ngay cho các đối tượng đến lịch và tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc-xin sởi, ho gà; đảm bảo đủ cơ số thuốc, phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh; thường xuyên thông tin về diễn biến dịch, các biện pháp phòng chống dịch cho các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân.
Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo, chí của TP chủ động tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh sởi;
Sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sởi và các dịch bệnh khác trong trường học, đặc biệt trong các trường mầm non mẫu giáo; với các trường mầm non, mẫu giáo chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi cần tiếp tục triển khai quyết liệt việc tiêm vắc-xin; chỉ đạo các trường trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trên địa bàn trong việc triển khai công tác phòng chống dịch trong trường học; nhà trường phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra dịch bệnh trong trường học.
Trước đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đưa ra cảnh báo và kêu gọi các quốc gia hành động khi số quốc gia trên thế giới báo cáo tăng số ca nhiễm sởi trong năm 2018 lên tới 98 nước. UNICEF cảnh báo: Dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động, đặc biệt tại 10 quốc gia, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74 % tổng số ca nhiễm mới, và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố loại bỏ được căn bệnh này.
Thu Phương (T/h)