Hà Tĩnh: Giải cứu 500 con chào mào tái thả vào Vườn Quốc gia Vũ Quang

Theo NNVN|25/12/2020 12:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngay sau khi được tái thả các 500 cá thể chào mào đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường tự nhiên ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Vườn quốc gia Vũ Quang vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tái thả hơn 500 cá thể chim Chào mào về môi trường tự nhiên.

Trước đó, Đội kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra xe ôtô khách biển kiểm soát 18B – 02230 do ông Nguyễn Văn Chưởng điều khiển lưu thông trên tuyến đường tránh thị xã Hồng Lĩnh. Qua kiểm tra phát hiện trên xe chở 12 thùng chứa hơn 500 cá thể chim chào mào đang trong tình trạng khoẻ mạnh. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hồ sơ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc.

Sau khi hoàn tất các hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Vườn Quốc gia Vũ Quang và các đơn vị liên quan tái thả toàn bộ số chim nói trên về môi trường tự nhiên.

Giải cứu 500 con chào mào tái thả vào Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Tư Sang

Ngay sau khi được tái thả các cá thể chim chào mào đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường tự nhiên. Việc tái thả nhằm mục đích tăng số lượng cá thể loài, bảo tồn nguồn gen, góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Theo kết quả điều tra của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Vườn Quốc gia Vũ Quang có tới 76% diện tích rừng tự nhiên với hai kiểu chính: rừng kín thường xanh á nhiệt đới chiếm 20% với hai loại thực vật ưu thế là pơmu và hoàng đàn; rừng kín thường xanh nhiệt đới với các loại thực vật bậc cao như: cẩm lai, lát hoa, lim, dổi, trầm hương… và nhiều cây dược liệu quý.

Động vật ở đây rất phong phú, theo thống kê có tới 60 loài thú, 187 loài chim, 38 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và 56 loài cá; trong đó có 26 loài thú, hơn 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ.

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn có 36 loài phụ thú đặc hữu của khu rừng Trường Sơn Bắc như: voọc vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, vượn má vàng… Đặc biệt, tại đây đã phát hiện được hai loài thú lớn mới là sao la, còn gọi là dê rừng dài (năm 1992) và mang lớn (năm 1993).

Theo ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, vườn không chỉ được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, mà còn là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Khu vực này có duyên với việc phát hiện loài mới đến mức các chuyên gia và nhà báo nước ngoài từng nói rằng: “Vũ Quang là ‘mỏ’ loài mới của Việt Nam”.

Theo NNVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Giải cứu 500 con chào mào tái thả vào Vườn Quốc gia Vũ Quang
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.