Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành Phố Hà Tĩnh, chính quyền địa phương xã, cùng hàng trăm lượt người đến tham gia bắt cá và cổ vũ.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, đến độ ngày 12-13 tháng 7 âm lịch hàng năm, xã Thạch Hưng đã từng tổ chức vây bắt cá tại Đập Đồng Hà (nay gọi là Đầm Sắc Hà). Những ngày ấy từ sáng sớm, bà con nhân dân trong xã và các xã lân cận hầu hết già, trẻ, gái, trai hội tụ về đây để chờ hiệu lệnh được xuống bắt cá. Dụng cụ đánh bắt gồm: Đàn ông thì mang theo nơm, lái mỏ, nhủi; còn các bà và chị em thì đầu đội thúng mủng, vai mang giỏ, người nào người nấy hồ hởi, phấn khởi tham dự vui như ngày hội.
Mục đích của việc tổ chức vây bắt cá là tạo không khí sôi nổi, vui tươi, kết nối tình đoàn kết giữa các thôn xóm, tạo điều kiện cho bà con nhân dân bắt được nhiều tôm, cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình, cũng đồng thời nhằm khuấy đảo bùn ở đáy Đập nhằm tái tạo nguồn thức ăn cũng như để cho các loại thủy sản tự nhiên sinh rạy vào mùa vụ tiếp theo.
Tại lễ hội năm nay, sau hơn 2h tham gia đánh bắt cá, ban tổ chức đã xác định và trao thưởng cho các cá nhân: Giải nhất thuộc về anh Trương Công Đồng đến từ xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) khi anh đánh bắt được con cá chép nặng 5,0kg; Giải nhì thuộc về anh Lê Đình Thông đến từ xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) với con cá nặng 3,5kg; Giải ba thuộc về anh Lê Trọng Công (xã Thạch Hưng) với con cá mè có trọng lượng 3,1kg.
Anh Đồng chia sẽ “Tham gia lễ hội lần này cá nhân tôi thực sự rất vui, đây là lễ hội có ý nghĩa trong việc tạo nên tinh thần đoàn kết, thúc đẩy tinh thân hăng say lao động sản xuất, đánh bắt cá lành mạnh và tạo nên ý thức trong việc tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái”.
Lễ hội đã tạo ra sân chơi lành mạnh, không khí vui chơi sôi nổi, gắn chặt tình đoàn kết trong nhân dân, nhằm phát huy, duy trì và bảo tồn những giá trị văn hóa của địa phương, từng bước xây dựng hồ Đập Lổ vừa là nơi cung cấp nước trời phục vụ sản xuất vừa là điểm du lịch sinh thái góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.