Sau gần 10 năm thực hiện chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, hơn 314.000 ha rừng của tỉnh Hà Tĩnh được ngành lâm nghiệp, chính quyền các địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên đạt gần 53%. Kể từ đó đến nay, kinh tế lâm nghiệp của hàng nghìn hộ dân sống gần rừng ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên hoàn toàn nhìn vào rừng trồng, chủ yếu là cây keo.
Nhằm góp phần thay đổi tập quán “ăn xổi”, khai thác keo non của một bộ phận người dân, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích bà con tham gia phát triển rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của châu Âu.
Đơn vị tiên phong thực hiện “cuộc cách mạng” này là Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim, huyện Hương Sơn. Năm 2017, sau khi kiện toàn xong bộ máy tổ chức, Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim bắt tay tập huấn cho hàng trăm hộ dân 3 xã Sơn Kim 1, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, huyện Hương Sơn về tầm quan trọng của việc quản lý rừng bền vững. Kết quả, cuối năm 2018, những đồi keo xanh mơn mởn, đường kính từ 70 – 80 cm trên dãy Trường Sơn thuộc các xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh được Tổ chức chứng nhận GFA cấp chứng chỉ rừng FSC.
Ông Võ Văn Biển, Giám đốc Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim chia sẻ, sau 5 năm, 4.030 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC của Liên hiệp HTX sẽ hết hạn vào ngày 1/4/2024. Để đảm bảo duy trì chứng chỉ bền vững đến năm 2028, mới đây đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức GFA sang đánh giá lại cho diện tích 4.030 ha của chu kỳ trước và hơn 2.000 ha mở rộng mới theo tiêu chuẩn FSC.
“Diện tích đề nghị đánh giá lần này ngoài rừng trồng còn có một số diện tích rừng tự nhiên. Việc này nhằm tiến tới làm tín chỉ carbon, tiếp cận với nguồn chi trả giảm phát thải nhà kính, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng”, ông Biển nói.
Theo ông Biển, hiện Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim đã quy tụ hơn 2.100 hộ dân của 12 xã thuộc huyện Hương Sơn tham gia phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC. Hiệu quả kinh tế diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC đem lại cho người dân cao gấp hai, ba lần so với sản xuất thông thường.
Anh Trần Lý, một hộ trồng rừng tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn phấn khởi cho biết, đầu năm 2023, gia đình anh khai thác 8 ha keo trồng cách đây 7 năm. Kết quả thu gần 800 triệu đồng, trong khi trước đó bán “keo non” chỉ thu được trên dưới 400 triệu đồng.
“Tôi thấy rừng được cấp chứng chỉ FSC không chỉ tăng được sản lượng mà giá bán cũng cao hơn, từ đó tăng thu nhập cho người sản xuất”, anh Lý nói.
Đón đầu chủ trương thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích các chủ rừng phát triển rừng đạt chứng chỉ FSC, bởi đây là cơ hội tiến tới việc thương mại hóa tín chỉ carbon.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn là chủ rừng đầu tiên ở địa bàn Hà Tĩnh tính toán được trữ lượng cô lập và lưu giữ carbon trên diện tích rừng do đơn vị quản lý.
Trước đó, năm 2012, Công ty lâm nghiệp Hương Sơn đăng ký bảo vệ, phát triển rừng FSC trên toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hơn 19.800 ha. Đến năm 2014, 100% diện tích trên được Tổ chức chứng nhận GFA cấp chứng chỉ FSC. Theo tính toán, ước tính mỗi năm trữ lượng cô lập và lưu giữ carbon của diện tích này đạt khoảng 150.000 tấn, nếu bán với giá thấp nhất 5 USD/tấn, chủ rừng có thể thu về khoảng 18 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn phục vụ cho việc tái bảo vệ, phát triển rừng ngày càng bền vững hơn.
Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho rằng, việc chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu trong thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận những chính sách về lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng; khuyến khích người dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng; đồng thời củng cố các HTX lâm nghiệp theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 37.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó rừng trồng sản xuất 32.000 ha, rừng cao su hơn 5.000 ha.