Hà Tĩnh: Tàu mắc cạn vì cảng cá bị bồi lắng

Linh Nhi (Tổng hợp)|09/05/2017 02:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cơ sở hạ tầng xuống cấp, tình trạng bồi lắng diễn ra nghiêm trọng làm nhiều tàu bị mắc cạn

(Moitruong.net.vn) – Tình trạng bồi lắng nghiêm trọng tại Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) làm  nhiều tàu cá mắc cạn, bị gãy chân vịt, bánh lái…

Nghị định 67/NĐ-CP ra đời, ngư dân cả nước phấn khởi khi được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện đóng tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi, đánh bắt xa bờ. Thế nhưng ở Hà Tĩnh, hệ thống các cảng cá chỉ đáp ứng cho tàu công suất dưới 300CV. Những tàu có công suất lớn “chết đứng” vì không thể chủ động ra vào các cảng cá.

Cảng cá Cửa Sót được xây dựng vào năm 2002 với tổng vốn đầu tư 46 tỉ đồng. Hằng ngày, có khoảng 200 tàu cá công suất từ 20 CV đến trên 400 CV của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào cảng xả hàng và tiếp nhiên liệu. Cảng cũng là nơi trú bão an toàn cho hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân.

Từ năm 2013, khu vực trước cảng cá thuộc vũng quay tàu bị bùn cát bồi lắng, luồng lạch bị bồi lấp, ảnh hưởng đến việc ra vào cảng của tàu thuyền. Ông Trần Xuân Sinh (43 tuổi, ngụ tại xã Thạch Bằng, H.Lộc Hà) cho biết, “các tàu cá công suất trên 300 CV liên tục bị gãy chân vịt và bánh lái khi ra vào cảng. Hiện các tàu lớn phải tìm các cảng khác neo đậu. Mỗi chuyến ra khơi trở về, con tàu vỏ sắt công suất 829 CV của gia đình phải neo đậu cách cảng khoảng 2 -3 km, nếu muốn vào cảng chỉ còn cách chờ thủy triều đạt đỉnh. Có nhiều chuyến biển tàu phải chờ từ sáng đến chiều tối mới vào được cảng”.

tàu mắc cạn 2Cảng cá Cửa Sót bị bùn cát bồi lấp làm nhiều tàu, thuyền mắc cạn và gãy chân vịt

Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, khu nước trước cảng cá là vị trí cửa sông đổ ra biển nên bị bùn cát bồi lắng với khối lượng khoảng 100.000 m3/năm, tạo thành bãi bồi rộng lớn. Từ năm 2013 đến nay đã có gần 200 tàu thuyền bị gãy chân vịt và bánh lái, nhiều tàu cong vênh do mắc cạn. Các tàu cá thường cập cảng trễ nên hải sản khai thác được bị giảm chất lượng, thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Thậm chí, nhiều nơi ngay cả tàu thuyền có công suất trên 90CV cũng chỉ vào được cảng lúc triều cường lên, còn khi triều xuống, các tàu cá đều phải neo đậu ngoài xa chờ con nước lên mới vào bốc dỡ được hàng khiến chi phí đội lên rất cao.

Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam thì mỗi năm cảng Cửa Sót bị bồi lắng khoảng 100.000m3. Luồng chính tại cảng Cửa Sót theo thiết kế hiện đã bị bồi lấp thành cồn, tàu thuyền muốn vào cảng phải đi theo luồng phụ, vừa xa, vừa hẹp và cạn hơn. Ngoài ra, tốc độ bồi lắng tại cảng Xuân Hội và bến Cẩm Nhượng cũng đáng báo động .

“Tình trạng này diễn ra đã lâu, ngư dân phản ánh nhiều nhưng cũng đành chịu. Nhiều tàu các tỉnh bạn đã phải bỏ cảng, đi neo đậu ở địa phương khác. Chúng tôi đang xin chủ trương xã hội hóa việc nạo vét cảng nhưng chưa nhận được câu trả lời từ cấp trên”, ông Sơn cho biết thêm.

Linh Nhi (Tổng hợp)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Tàu mắc cạn vì cảng cá bị bồi lắng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.