Đa dạng sinh học

Hà Tĩnh tiêu hủy gần 149.000 bẫy chim di cư, siết chặt bảo vệ chim hoang

Hải Đăng 12/05/2025 17:00

Năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã thu giữ và tiêu hủy gần 149.000 bẫy chim các loại, thả về tự nhiên hàng trăm chim mồi còn sống.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Hà Tĩnh, năm 2024 lực lượng kiểm lâm và các cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp truy quét, tháo dỡ, tiêu hủy gần 149.000 dụng cụ bẫy bắt chim di cư tự nhiên, thả về môi trường hàng trăm cá thể chim mồi còn sống.

screenshot-2025-05-12-085147.jpg
Chim cò giả và que nhạ siêu dính để bẫy bắt chim di cư tự nhiên ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân

Các dụng cụ bẫy bắt chim chủ yếu là que nhạ (keo bẫy chim siêu dính), chim cò giả (làm bằng xốp), lưới tàng hình, máy phát tín hiệu, chim mồi còn sống để dụ dỗ chim di cư xuống đậu và dính bẫy. Tình trạng bẫy bắt chim di cư chủ yếu diễn ra vào mùa mưa bão ở các khu rừng phòng hộ ven biển, vùng đồng bằng có nhiều cây cối rậm rạp, ao hồ, đầm lầy.

Trước đó, ngày 17/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04 /CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Việc đấu tranh, ngăn chặn bẫy bắt chim di cư trong mùa mưa bão ở tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, góp phần bảo vệ sự sinh trưởng, phát triển của các loài chim hoang dã, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

screenshot-2025-05-12-085133.jpg
Chim mồi còn sống dùng để dụ dỗ, bẫy bắt chim di cư tự nhiên

Thực hiện Chỉ thị, Ngày 25/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 5691 /UBND-NL4 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư với nội dung: Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng, UBND các xã, phường, thị, trấn, Ban Quản lý các chợ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim di cư đến các tầng lớp Nhân dân.

Tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn không tham gia săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không tiếp khách, liên hoan… có sử dụng thực phẩm được chế biến từ chim hoang dã, di cư.

Thành lập các đoàn liên nghành kiểm tra, truy quét các địa bàn thường xảy ra tình trạng săn, bắt động vật hoang dã, chim di cư; các khách sạn, nhà hàng, quán ăn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chợ, điểm mua, bán động vật hoang dã, chim di cư trên địa bàn. Từ đó phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các công cụ, dụng cụ, thiết bị săn, bẫy, bắt chim hoang dã, di cư và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật…

Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ chim hoang dã, di cư; theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa phương, đơn vị, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm túc, để xảy ra tình trạng săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến... trái pháp luật chim hoang dã, di cư trên địa bàn.

Việc bẫy bắt chim di cư tự nhiên gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái, cụ thể:

  1. Mất cân bằng sinh thái: Chim di cư đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn và kiểm soát côn trùng, sâu bệnh. Khi bị săn bắt ồ ạt, các loài côn trùng gây hại sẽ phát triển mạnh, ảnh hưởng đến nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên.
  2. Suy giảm đa dạng sinh học: Việc bắt giết chim di cư làm suy giảm số lượng loài, đặc biệt là những loài quý hiếm, đang bị đe dọa. Sự suy giảm này ảnh hưởng đến tính ổn định và khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
  3. Ảnh hưởng chu kỳ sinh sản và lộ trình di cư: Việc sử dụng chim mồi, lưới tàng hình, âm thanh giả để dụ chim khiến chúng bị rối loạn hành vi sinh sản và đường di cư truyền thống, ảnh hưởng đến khả năng duy trì nòi giống.
  4. Gây ô nhiễm môi trường: Một số loại bẫy như keo dính (que nhạ) có thể gây ô nhiễm đất, nước nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, ảnh hưởng tới hệ sinh thái địa phương.
  5. Phá vỡ vai trò sinh thái của chim: Nhiều loài chim di cư giúp phát tán hạt giống, hỗ trợ tái sinh rừng, nếu bị suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của rừng và vùng sinh thái liên quan.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh tiêu hủy gần 149.000 bẫy chim di cư, siết chặt bảo vệ chim hoang
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.