Ngày 15/11, Hạ viện Đức đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật bảo vệ môi trường, đặt ra các mục tiêu cụ thể nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong hoạt động của các ngành năng lượng, vận tải và nhà ở. Mục tiêu của văn kiện này là đảm bảo Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu-đến năm 2030 sẽ giảm được 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.
Luật mới đề rõ mục tiêu của Đức đến năm 2050, giảm khí thải hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân làm biến đổi khí hậu, còn 0.
Luật cũng quy định về việc thành lập một Ủy ban biến đổi khí hậu độc lập có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ cách thức đạt được mục tiêu và tính toán hạn ngạch khí thải theo giai đoạn 5 năm/lần, để căn cứ vào đó giúp nước này hoàn thành mục tiêu giảm khí thải
Phát biểu tại Hạ viện, nghị sĩ Matthias Miersch nêu rõ luật mới đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng chính quyền địa phương về giảm khí CO2. Bên cạnh đó, sẽ có những khuyến khích đưa ra đối với các doanh nghiệp và cơ quan hoạt động thân thiện với môi trường. Ước tính việc thực hiện luật trên sẽ tiêu tốn của ngân sách khoảng 54 tỷ euro vào năm 2023.
Nhà máy công nghiệp tại Đức
Mục tiêu giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức thải khí năm 1990 vào năm 2030 đã được nêu trong Chương trình Hành động khí hậu 2030 của Chính phủ Đức, phù hợp với các mục tiêu giảm khí thải của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mục tiêu dài hạn tham vọng hơn được Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo là vào năm 2050, Đức sẽ trở thành quốc gia hoàn toàn không thải khí carbon.
Chương trình Hành động khí hậu 2030 nêu rõ các mục tiêu đặt ra đồng nghĩa với một “sự thay đổi trong lối sống và cách làm kinh tế,” đồng thời nhấn mạnh rằng việc ủng hộ quá trình chuyển sang năng lượng sạch và công nghệ ít thải khí sẽ tạo “cơ hội lớn cho Đức như một đất nước của kinh doanh, cải tiến và tạo công ăn việc làm”.
Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngọc Linh (t/h)