Ngày 24/02, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh; Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 tỉnh yêu cầu bổ sung vào Kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 các đối tượng sau:
– Đối tượng là nông dân trong các vùng sản xuất rau, màu tập trung; các hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn để đảm bảo an toàn trong sản xuất.
– Những người vận chuyển, sơ chế, thu mua nông sản phẩm; những người hiện đang là lao động thời vụ trong các cơ sở chế biến nông sản.
Ảnh minh họa
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh chỉ đạo rà soát và ưu tiên bố trí cán bộ y tế phối hợp với chính quyền địa phương để sớm lấy mẫu xét nghiệm.
Trước đó, ngày 23.2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID–19 tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch số 570/KH-BCĐ về việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo đó, mục đích xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng để đánh giá tình hình dịch bệnh, nguy cơ để đáp ứng phòng chống dịch một cách nhanh và hiệu quả nhất, đánh giá các vùng an toàn để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ban chỉ đạo yêu cầu công tác lấy, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn sinh học; ngành Y tế tập trung toàn lực đảm bảo công tác lấy mẫu và xét nghiệm COVID-19 theo đúng tiến độ Kế hoạch đã đề ra; bảo đảm 100% các trường hợp có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 được xét nghiệm sàng lọc.
Dựa trên tình hình thực tế của địa phương phân thành các nhóm cần xét nghiệm như sau: Nhóm các địa phương có nguy cơ cao (gồm 4 huyện, thị xã, thành phố: Kim Thành, Cẩm Giàng, Chí Linh và TP.Hải Dương); các địa phương có nguy cơ (gồm 3 huyện, thị xã: Kinh Môn, Nam Sách và Bình Giang); các địa phương nguy cơ thấp (gồm 5 huyện: Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc và Thanh Miện) và nhóm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phân loại mẫu theo mục đích xét nghiệm chia thành 5 loại: Loại 1: Lấy mẫu phòng chống dịch bắt buộc theo quy định chung; loại 2: Lấy mẫu bắt buộc để đáp ứng xử lý ngay ổ dịch; loại 3: Lấy mẫu để đánh giá nguy cơ và nhận định tình hình dịch; Loại 4: Lấy mẫu để đánh giá tiêu chí an toàn COVID-19; Loại 5: Lấy mẫu nhóm đối tượng phát sinh để đáp ứng phòng chống dịch theo tình hình thực tiễn chống dịch của địa phương.
Hà Anh