Hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải phù hợp với Luật Báo chí

Phong Anh|28/05/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu cho rằng, việc hạn chế ghi âm, ghi hình ở phiên tòa là cần thiết bởi thời gian qua, xuất hiện tình trạng ghi hình, cắt ghép hình ảnh phiên tòa rồi tung lên mạng xã hội để "câu views, câu like", tung tin sai sự thật, tuy nhiên với phóng viên tác nghiệp phải phù hợp với Luật Báo chí.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

28-qh2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, đã có 150 lượt ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, 11 đại biểu Quốc hội gửi tham gia ý kiến bằng văn bản. Đây là đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Tòa án, chế độ chính sách đối với các chức danh tư pháp của Tòa án nhưng có liên quan đến nhiều cơ quan khác hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Do đó, yêu cầu đặt ra đáp ứng tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng bộ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) rất quan tâm chỉ đạo sâu sát việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Ngay sau kì họp UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc ý kiến đại biểu Quốc hội. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức nhiều phiên họp, các cuộc làm việc do Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì làm việc với các cơ quan hữu quan để chỉnh lý văn bản, xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan.

Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được UBTVQH thảo luận tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan tổ chức. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 09 Chương, 153 Điều.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức đã được UBTVQH chỉ đạo nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu tối đa, giải trình cặn kẽ. Các nội dung tiếp thu, giải trình bảo đảm có cơ sở pháp lý rõ ràng. Các nội dung còn ý kiến khác nhau cũng được báo cáo đầy đủ để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.

Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Nhiều ý kiến không tán thành dự thảo Luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.

28-qh3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu: “Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 không quy định cụ thể về phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án. Các luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính quy định: nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Từ đó nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, ỷ lại cho Tòa án thu thập, dẫn tới nhiều Tòa án quá tải công việc. Do đó, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ. Thực tiễn cho thấy, nếu Tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án. Tiếp thu ý kiến đại biểu và một số cơ quan, tổ chức hữu quan, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 15 dự thảo Luật theo hướng: quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn.

Về đổi mới Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử. Do còn có ý kiến khác nhau và Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nên UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng 02 phương án tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Về Thẩm phán Tòa án nhân dân (Mục 3 Chương V); Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án (Điều 114 và Điều 118), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm rõ, khác với công chức hành chính khác, Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm, là chức danh tư pháp đặc thù, trực tiếp giải quyết vụ án và chịu trách nhiệm về phán quyết của mình khi xét xử. Dự thảo Luật quy định ngạch Thẩm phán TAND tối cao và ngạch Thẩm phán là cơ bản phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục được nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Do đó, đề nghị cho giữ quy định tại khoản 1 Điều 90 dự thảo Luật về ngạch Thẩm phán TAND tối cao và ngạch Thẩm phán.

Đối với ngạch Thẩm phán, cần thiết phải quy định các bậc Thẩm phán để có cơ sở bố trí Thẩm phán tại từng cấp Tòa án và sắp xếp vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Quy định này cơ bản phù hợp Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó ghi rõ: “tăng cường phân cấp, phân quyền…”. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 90 đã được chỉnh lý theo hướng: giao UBTVQH quy định về bậc Thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao.

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán (Điều 100), nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về nhiệm kỳ Thẩm phán. Có ý kiến đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán một lần đến khi nghỉ hưu. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thẩm phán là chức danh tư pháp đặc thù do Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác theo quy định của luật. Quy định như dự thảo Luật là tiếp tục đổi mới về nhiệm kỳ Thẩm phán và thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW. Quy định này góp phần bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trường hợp Thẩm phán có vi phạm thì bị xử lý theo quy định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật.

Về bảo vệ Tòa án (Điều 140), có ý kiến đề nghị cần quy định bảo vệ trụ sở TAND tối cao, TAND cấp cao trong dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, căn cứ vào vị trí, vai trò của TAND tối cao, các TAND cấp cao, việc đề xuất bảo vệ trụ sở các Tòa án này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để thống nhất với Luật Cảnh sát cơ động, đa số ý kiến UBTVQH đề nghị chỉnh lý như khoản 3 Điều 140 dự thảo Luật. Trên cơ sở quy định này và thực tế yêu cầu cần thiết bảo vệ trụ sở TAND cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, UBTVQH đề nghị Chính phủ bổ sung Danh mục các mục tiêu bảo vệ tại Nghị định số 39/2021/NĐ-CP phù hợp với thẩm quyền được Luật Cảnh sát cơ động quy định.

Bên cạnh đó, có ý kiến của UBTVQH và TAND tối cao đề nghị cần quy định bảo vệ Tòa án trong dự thảo Luật, cụ thể là: trụ sở TAND tối cao, TAND cấp cao là mục tiêu quan trọng về chính trị được lực lượng Cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Trụ sở các Tòa án khác được Tòa án bố trí lực lượng bảo vệ. Kinh phí và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng bảo vệ do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải phù hợp với Luật Báo chí

28-qh1.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến UBTVQH đề nghị chỉnh lý như khoản 3 và khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa,... Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp… (Phương án 1 quy định tại khoản 3 và khoản 4 dự thảo Luật).

Một số ý kiến khác lại cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành.

Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu cho rằng, việc hạn chế ghi âm, ghi hình ở phiên tòa là cần thiết. Bởi thời gian qua, xuất hiện tình trạng ghi hình, cắt ghép hình ảnh phiên tòa rồi tung lên mạng xã hội để "câu views, câu like", tung tin sai sự thật.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, qua phản ánh của cử tri là các phóng viên, nhà báo, việc hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đang hạn chế hoạt động tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ của người làm báo. Qua đó, đại biểu đề nghị cần có những quy định mở hơn với phóng viên, nhà báo - những người có chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, đảm bảo quyền con người, quyền công dân tại tòa; đồng thời đảm bảo hoạt động tác nghiệp phù hợp với Luật Báo chí.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đồng tình với quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa cần có sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Với hoạt động của phóng viên, nhà báo tại phiên tòa, theo đại biểu, những bị can, bị cáo tại phiên tòa nếu đồng ý cho phóng viên, nhà báo ghi âm, ghi hình thì cũng phải để cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp.

Bảo vệ thông tin, bí mật đời tư là cần thiết, nhưng chính bị can, bị cáo đã đồng ý thì phải để phóng viên thực hiện nhiệm vụ của mình. Đồng thời cũng phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về việc đăng tải thông tin về phiên tòa.

Bài liên quan
  • Bắc Ninh: UBND huyện Quế Võ cố tình trốn tránh, vi phạm Luật báo chí và quy chế phát ngôn
    Bắc Ninh: UBND huyện Quế Võ cố tình trốn tránh, vi phạm Luật báo chí và quy chế phát ngôn. Trạm trộn bê tông Bắc Ninh và BKB nằm trong khu đô thị mới Quế Võ do công ty TNHH Tùng Bách làm chủ đầu tư đã hoạt động nhiều năm nay thường xuyên xả bụi, tiếng ồn, nước thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bên cạnh đó 2 trạm bê tông này còn có dấu hiệu khai thác nước dưới đất trái phép, vi phạm nghiêm trọng Luật tài nguyên nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải phù hợp với Luật Báo chí
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.