(Moitruong.net.vn) – Những năm gần đây, nghề bắt ốc bươu vàng mưu sinh giúp người dân tại ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có thêm thu nhập, cuộc sống bớt khó khăn. Nhưng phần vỏ ốc phế phẩm bị đổ xuống sông lại gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm nhiều người dân “khóc ròng”.
Được biết, bình quân mỗi lao động ở địa phương có thể bắt từ 30 đến 40 kg/ngày tùy thuộc thời gian và địa điểm có ốc nhiều hay ít. Với giá bán hiện nay khoảng 2.000 đồng/kg, mỗi người sẽ có được từ 60.000 – 80.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, việc bắt ốc bươu vàng cũng góp phần truy vét loại sinh vật vốn rất có hại cho nông nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề hiện đang gây bức xúc dư luận là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc các hộ kinh doanh thu mua. Tại đây, người ta sơ chế ốc bằng nước sôi, sau đó lấy phần ruột ốc để bán cho thương lái, phần vỏ ốc phế phẩm bị vứt trực tiếp xuống lòng sông, tạo mùi hôi thối nồng nặc. Đó là chưa kể đến việc ruồi, muỗi phát sinh dễ gây dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hải, ngụ ấp Tân Hưng phản ánh: “Chuyện làm ăn thì bà con đồng tình, nhưng phải bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều lần chính quyền các cấp đến nhắc nhở họ về việc này mà rồi cũng đâu vào đấy. Ban ngày đổ vỏ không được, họ đổ vào ban đêm, người dân quá khốn khổ vì mùi hôi thối khắp nơi”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ấp Tân Hưng hiện có trên 50 hộ hành nghề mua bán ốc bươu vàng với trên 400 lao động thường xuyên, mỗi cơ sở thu mua từ 200 – 300 kg ốc nguyên liệu/ngày. Chỉ làm một phép tính đơn giản thì mỗi ngày tại đây sẽ có trên 5 tấn vỏ ốc sẽ được đổ trực tiếp xuống sông. Một con số thật đáng báo động.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Tiên, người đã có trên 5 năm làm nghề thu mua và sơ chế ốc bươu vàng tâm sự: “Quả thật chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiêu hủy vỏ ốc. Biết rằng đổ xuống sông như vậy là gây ô nhiễm, nhưng bãi đổ không có, cách tiêu hủy cũng không được hướng dẫn, mà nếu có thì cũng sẽ rất tốn kém. Dẫu vậy, khi người ta phản ánh quá, chính quyền cũng có ý kiến, nên gần đây chúng tôi đã họp nhau lại, bàn việc đóng góp để thuê các xe đi lấy rác đến thu gom vỏ ốc đổ ra bãi, với giá 3.000 đồng/bao và bắt đầu thực hiện từ cuối tháng 4 vừa qua”.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương cũng nên có sự giám sát chặt chẽ hơn và trách nhiệm hơn trong việc hướng dẫn người dân kinh doanh sản xuất; tránh tình trạng bất cập kéo dài gây bất bình dư luận.
Trương Liêm