Hệ thống hải lưu AMOC có thể gây ra thảm họa khí hậu toàn cầu nếu ngừng lưu thông

Hồng Tú|28/07/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hệ thống hải lưu AMOC sụp đổ sẽ khiến mùa đông khắc nghiệt hơn, mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở Mỹ và châu Âu, đồng thời sẽ làm thay đổi gió mùa ở vùng nhiệt đới.

Một nghiên cứu mới được công bố hôm 25/7 trên Tạp chí Nature, đã phát hiện ra rằng Dòng chảy ngược Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) có thể biến mất vào khoảng giữa thế kỷ này, hoặc thậm chí sớm nhất là vào năm 2025.

AMOC là một dòng chảy, chúng chi phối khí hậu Trái Đất bằng cách đưa các vùng nước nhiệt đới, ấm áp lên phía bắc và vùng nước lạnh về phía nam. Đây là một hệ thống hải lưu quan trọng giúp điều chỉnh khí hậu của Bắc bán cầu, nhưng nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào từ năm 2025 và gây ra sự hỗn loạn khí hậu.

hailuuamoc.jpg
Sự thay đổi của dòng hải lưu có thể gây thảm họa cho hành tinh

Các nhà nghiên cứu cho biết, AMOC có thể sụp đổ hoàn toàn từ năm 2025 đến năm 2095, khiến hệ sinh thái đại dương thay đổi hoàn toàn, nhiệt độ giảm mạnh và những cơn bão "sinh sôi nảy nở" trên khắp thế giới.

AMOC là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều dòng hải lưu, hoạt động giống như một băng chuyền toàn cầu khổng lồ.

Hệ thống này vận chuyển nước ấm từ vùng nhiệt đới về bắc Đại Tây Dương, nơi nước được làm mát, trở nên mặn hơn và chìm sâu xuống dưới đại dương trước khi chảy về phía nam. Hệ thống dòng hải lưu này đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu, giúp điều hòa các hình thái thời tiết toàn cầu.

Hệ thống này sụp đổ sẽ gây tác động lớn, khiến mùa đông khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở Mỹ và châu Âu cũng như làm thay đổi gió mùa ở vùng nhiệt đới.

Khi các đại dương ấm lên và băng tan, nước ngọt chảy vào đại dương nhiều hơn và làm giảm mật độ nước, khiến nước ít có khả năng chìm hơn. Khi nước trở nên quá nhạt, quá ấm hoặc cả hai thì băng chuyền sẽ ngừng lưu thông.

Nhiều năm qua các nhà khoa học đã cảnh báo về sự bất ổn định của AMOC. Khủng hoảng khí hậu gia tăng đe dọa làm đảo lộn sự cân bằng về nhiệt độ và độ mặn của hệ thống dòng hải lưu này, tác động tiêu cực đến cường độ dòng chảy.

Giáo sư khí hậu Peter Ditlevsen, Viện Niels Bohr, Copenhagen (Đan Mạch) chia sẻ: "Kết quả này khiến tôi lo sợ, bởi vì kịch bản cho sự sụp đổ này đang quá gần và AMOC rất quan trọng đối với khí hậu Trái Đất nên chúng tôi phải hành động ngay lập tức".

Nhiều nhà hải dương học và chuyên gia khí hậu đã đưa ra những đánh giá về nghiên cứu, đây là một cảnh báo đáng lo ngại.

Bài liên quan
  • Bắc Bộ đón đợt mưa dông diện rộng
    Từ đêm 27/7 đến đêm 28/7, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-120mm, có nơi trên 150mm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống hải lưu AMOC có thể gây ra thảm họa khí hậu toàn cầu nếu ngừng lưu thông