Hiệu quả từ mô hình cuốn rơm sau thu hoạch góp phần bảo vệ môi trường

Ánh Hà|09/05/2022 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để dần xóa bỏ tập quán đốt đồng gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp, thời gian qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đã áp dụng cuốn rơm bằng máy sau khi thu hoạch.

Mỗi năm vào vụ thu hoạch lúa, anh Nguyễn Văn Phong, quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định lại tất bật với nghề cuốn rơm thuê ở khắp các cánh đồng lúa ở các huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định rồi di chuyển đến các tỉnh lân cận như Phú Yên, Hà Tĩnh, Đắc LăK, Quảng Ngãi. Có kinh nghiệm hơn 7 năm, nhưng những năm gần đây nhu cầu sử dụng rơm cuốn ngày một tăng cao nên thời điểm này được xem là bận rộn nhất của những người làm nghề cuộn rơm như anh. Anh Phong cho hay, bình quân 1 ngày cuộn khoảng 9 tiếng đồng hồ, tùy theo diện tích ruộng thu nhập được từ 3-5 triệu đồng/ ngày. Đây là nghề phụ kiếm thêm thu nhập nhưng kinh tế khá cao.

Anh Nguyễn Văn Phong quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định tất bật với nghề cuốn rơm thuê ở khắp các cánh đồng 

“Làm như thế này thì vừa lợi nhuận cho mình, khỏe cho nông dân. Cuốn rơm bằng máy tốc độ nhanh hơn, một ngày tôi thu gom khoảng 6 – 7 mẫu ruộng, còn người dân cuốn ra tay thủ công thì 1 ngày chỉ làm được 2-3 sào, tốn lao động phải 3-4 người. Mỗi cuốn rơm được thu công cuốn với giá 7 nghìn đồng”, anh Phong cho hay.

Lâu nay, với chiếc máy gặt đập liên hợp, nông dân đã giải quyết được nhiều khâu, tiết kiệm được công sức và thời gian trong thu hoạch lúa. Song, việc giải quyết rơm trên đồng lại là vấn đề được đặt ra lúc này. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, tránh những hình thức xử lý rơm gây ảnh hưởng môi trường và nguy hiểm, hình thức cuốn rơm bằng máy đã được áp dụng ở nhiều nơi. Máy cuốn rơm có thể hoạt động tốt trên cả nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Rơm sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động thành các cuộn to.

Rơm sau thu gom thành những cuộn lớn sẽ được các chủ ruộng trữ lại để sử dụng hoặc bán cho các hộ khác làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón, che phủ cho cây trồng, làm đệm lót bảo quản một số mặt hàng nông sản, sản phẩm dễ vỡ, dễ bị hư hỏng do vận chuyển…

Ông Nguyễn Văn Một, nông dân TP.Quảng Ngãi cho biết: “Thay vì đốt bỏ như trước thì nay nhờ có việc cuốn rơm mà người nông dân đã đỡ phần xử lý, cải tạo sau thu hoạch. Bên cạnh đó, rơm còn được dự trữ dùng làm phân bón, thức ăn cho gia súc… hoặc bán lại, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân”.

Đưa máy cuộn rơm vào sản xuất tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Ở Quảng Ngãi, nghề này chỉ mới xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây và bà con nông dân rất hài lòng, phấn khởi đón bởi những tiện ích mà nó mang lại. Ông Trần Văn Nhành, nông dân xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh bày tỏ: “Nhờ máy cuốn rơm, mình chỉ việc vận chuyển về nhà chất vào chuồng, tôi thấy rất tiện lợi nhất là lợi nhân công hơn, mặc dù mình trả tiền nhưng công lao động hồi xưa mình cuốn 1 sào 150 nghìn thì bữa nay cuốn 1 sào khoảng 80- 90 nghìn, đặc biệt vấn đề bảo quản lâu hơn vì máy cuốn chặt hơn”.

Nhiều bà con nông dân mong muốn, trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện có diện tích sản xuất lúa nhiều và tập trung như Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và thị xã Đức Phổ.

Những cuốn rơm cuộn rất chặt bảo quản được lâu

Có thể thấy, nông dân đã hưởng được lợi kép từ việc cuộn rơm bằng máy. Đặc biệt, việc đưa máy cuộn rơm vào sản xuất cũng là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Ánh Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hiệu quả từ mô hình cuốn rơm sau thu hoạch góp phần bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.