Sáng 19/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn cầu về an toàn và khai thác hàng không năm 2023. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị.
Đây là lần đầu tiên một Hội nghị về an toàn hàng không ở quy mô toàn cầu diễn ra tại Việt Nam, do Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), và Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh cùng hơn 800 khách mời là đại diện lãnh đạo các hãng hàng không và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực hàng không trên thế giới.
Với chủ đề "Lãnh đạo vào cuộc: Thúc đẩy khai thác an toàn và hiệu quả hơn", Hội nghị tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như an toàn đường băng, an toàn trong cabin, phân tích, đánh giá các mối nguy tiềm ẩn….
Sự tham gia của nhiều lãnh đạo, chuyên gia về an toàn hàng không cho thấy trách nhiệm chung và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề bảo đảm an toàn và khai thác hàng không toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng tầm quan trọng và dành sự quan tâm cao đối với sự phát triển an toàn và bền vững của ngành hàng không, nhằm phục vụ các mục tiêu tổng hợp về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy giao thương và giao lưu nhân dân, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tăng cường kết nối Việt Nam với thế giới.
Chính phủ luôn tạo điều kiện tốt nhất để các hãng hàng không của Việt Nam phát triển lành mạnh, an toàn, thân thiện, góp phần làm tốt vai trò "sứ giả" văn hóa, con người và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam xác định bảo đảm an toàn, an ninh hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần được quan tâm thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, theo kịp những diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình thế giới.
Theo đó, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của ngành hàng không.
Đồng thời, Chính phủ cũng đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị để hệ thống giám sát an toàn đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, trong đó có các yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá trong hơn 15 năm trở lại đây, tăng trưởng của ngành hàng không luôn gắn chặt với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam.
Giai đoạn 2009-2019, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc: Tăng trưởng trung bình hàng năm về hành khách đạt trên 17%, về hàng hóa đạt gần 14%; sản lượng vận chuyển tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá.
Năm 2023, ngành hàng không tiếp tục có những bước phục hồi và tăng trưởng tích cực. Ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều hãng hàng không thế giới đã quay trở lại thị trường Việt Nam.
Trong tiến trình phát triển trên, vấn đề an toàn, an ninh hàng không luôn được bảo đảm với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và các hãng hàng không của Việt Nam cùng với sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức, đối tác quốc tế.
Nhờ những nỗ lực nêu trên, ngành hàng không đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Duy trì hơn 25 năm liên tục việc bảo đảm an toàn hàng không trong vận tải hàng không thương mại; đạt được Chứng nhận của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1-mức cao nhất của Cục Hàng không Liên bang Mỹ.
Các hãng hàng không Việt Nam luôn duy trì chỉ số an toàn khai thác cao và được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cấp Chứng nhận An toàn khai thác.
Phó Thủ tướng cho rằng dù có nhiều cơ hội để phục hồi và phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19, song ngành hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức do tình hình chính trị- an ninh thế giới diễn biến rất phức tạp, xung đột vẫn tiếp diễn tại một số khu vực trên thế giới, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, giá nhiên liệu duy trì ở mức cao, chiều hướng thắt chặt chi tiêu vẫn phổ biến, trong khi nguồn lực đầu tư cho ngành hàng không để phục hồi sau đại dịch COVID-19 còn hạn chế.
Trong điều kiện đó, các nhiệm vụ, yêu cầu đối với việc vừa khai thác hiệu quả, vừa bảo đảm tốt an toàn, an ninh hàng không sẽ ngày càng phức tạp và nặng nề hơn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn trong thúc đẩy hợp tác, phối hợp, cả ở cấp độ quốc gia, cấp độ khu vực và toàn cầu.
Để cùng nhau khai thác hiệu quả các cơ hội và vượt qua thách thức, Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, các đối tác quốc tế tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn về an toàn khai thác; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về bảo đảm an toàn, an ninh hàng không giữa các hãng hàng không thành viên và các tổ chức hàng không trong phạm vi toàn cầu.
Cùng với đó, tích cực đưa ra các sáng kiến, giải pháp hữu hiệu về tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, nhằm góp phần vào sự phát triển an toàn và bền vững của ngành hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tình hình mới.
Với cam kết mạnh mẽ về không ngừng củng cố an ninh, an toàn hàng không, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục đặt công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia; xây dựng an toàn, an ninh hàng không trên nền tảng của nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, gắn chặt với việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng để xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; đồng thời, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với các đối tác song phương và đa phương trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hàng không quốc tế.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các đối tác, bạn bè quốc tế trong lĩnh vực này, nhằm góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam một cách thuận lợi và an toàn nhất.