(Moitruong.net.vn) – Ngày 8/12, tại Tp.Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã chủ trì Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2017.
Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam 2017
Cùng chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng – Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi – Ủy viên Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mê Kông quốc tế Phạm Tuấn Phan.
Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tỉnh An Giang, TP.Cần Thơ, Đắc Nông, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Là một tỉnh thượng nguồn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang luôn nhận thức vai trò và trách nhiệm chia sẻ nguồn nước sông Mê Kông, nguồn tài nguyên quan trọng nhất của của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội đối với các tỉnh trong toàn vùng.
Tuy nhiên hiện nay lưu vực sông Mê Kông đã và đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển bền vững. Đó là: sự biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra cụ thể như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Sự can thiệp không mong muốn của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công thông qua các hoạt động xây dựng đập thủy điện, các công trình ngăn dòng chảy và chuyển nước…
“Đây là những thách thức quan trọng nhất, đáng lo ngại nhất vì vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ và khả năng kiểm soát của chúng ta. Những tác động này đã làm cho lưu vực sông Mê Kông của Việt Nam có thời điểm thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân cụ thể là vào năm 2016 vừa qua”- ông Lâm Quang Thi cho hay.
Ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là cơ hội để các thành viên của Ủy ban xác định lại các định hướng trong chỉ đạo, mà còn để thống nhất các giải pháp và kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Để Hội nghị đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến vào một số vấn đề trọng tâm: Góp ý cho Kế hoạch hành động của Ủy ban giai đoạn 2018 – 2020 và Đề án kiện toàn Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam trên cơ sở đảm nhiệm thêm nhiệm vụ của Ủy ban lưu vực sông Cửu Long theo quy định. Mục tiêu của Đề án kiện toàn Ủy ban là để gắn kết được nhiệm vụ hợp tác quốc tế với nhiệm vụ trong nước, đảm bảo Ủy ban có tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần đề xuất một cơ chế phối hợp hiệu quả hơn trong khuôn khổ Ủy ban về hoạt động điều phối, quy hoạch, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chia sẻ thông tin, liên kết không gian kinh tế, phát triển vùng, cũng như triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu để mang lại lợi ích cho toàn vùng.
Toàn cảnh Hội nghị
Trao đổi những kinh nghiệm từ thực tiễn của địa phương; nhận diện những thách thức có thể chuyển hóa thành tiềm năng, lợi thế cũng như các giải pháp, lộ trình để từng bước phát triển bền vững vùng đồng bằng trước tác động của biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó Ủy ban sẽ có các kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cũng như vận động tìm kiếm các nguồn tài trợ để triển khai.
Thảo luận đánh giá một cách khách quan, dự báo, cảnh báo các tác động của hoạt động phát triển của các quốc gia thượng nguồn đối với vùng ĐBSCL; trên cơ sở đó xác định các giải pháp ứng phó; đề xuất các đối sách, xây dựng các kế hoạch, hoạt động phù hợp trong giai đoạn trước mắt và tầm nhìn dài hạn, góp phần thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Monre