Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng nay (18/3/2024), tại TP.HCM, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam năm 2024.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các ban, ngành trung ương đã đến dự. Về phía TP.HCM có Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết Hội báo toàn quốc 2024 những ngày qua đã thành công tốt đẹp, giàu cảm xúc và có ý nghĩa thiết thực với nhân dân TP.HCM và nhân dân cả nước; tạo ra các tình cảm, động lực với cả lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm báo... Ông Nghĩa đánh giá cao những kết quả mà Hội Nhà báo Việt Nam đạt được trong năm 2023.
Theo ông Nghĩa, báo chí không chỉ gần với hoạt động của hệ thống chính trị mà còn hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều hơn chức năng tư tưởng, phản biện xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời góp phần rất quan trọng trong tăng cường hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế.
Đặc biệt, ông Nghĩa đánh giá cao tính hiệu quả trong công tác nghiệp vụ với thành công của giải báo chí quốc gia và hàng loạt hội thảo, tọa đàm về báo chí số, công nghệ báo chí truyền thông và chuyển đổi số… đã được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Ngoài ra, các diễn đàn báo chí toàn quốc là những điểm mới, sự quyết tâm, khát vọng minh chứng rõ nét nhất những kết quả đạt được năm 2023.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhất trí với các chương trình, phương hướng hoạt động mà Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định, nhưng sắp tới nỗ lực nhiều hơn, thực hiện theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo ông Nghĩa, báo chí truyền thông phải đổi mới mạnh mẽ để có những chương trình hành động cụ thể từng năm, từng quý.
Riêng đối với hội nhà báo các cấp, định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn đổi mới, phản ánh sinh động nhịp đập cuộc sống, có nhiều tác phẩm chất lượng, khách quan, giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc.
Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục tác động cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận xã hội góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào việc xây dựng đất nước. Trong công tác kiểm tra giám sát, cần phải quyết tâm động viên, nhắc nhở, quản lý không để xảy ra tiêu cực.
Đặc biệt trong công tác truyền thông chính sách, ngòi bút phải hướng tới sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân và sự hài lòng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào làm sai pháp luật chúng ta phải đấu tranh. Doanh nghiệp nào làm đúng, có khát vọng vươn lên thì mình nên ủng hộ, chứ không nên lầm lẫn giữa các đơn vị làm đúng làm tốt với các đơn vị không đúng.
"Việc này phải từng bước khắc phục, cần có giáo dục, định hướng, kiểm soát. Không chỉ là phóng viên, mà kể cả cộng tác viên ở những địa bàn chưa có sự quản lý chặt chẽ. Làm báo có thể nghèo nhưng không làm tiêu cực, lợi dụng cái này để đánh cái kia. Báo chí phải đúng, trúng, khách quan và hiệu quả. Mỗi bài báo chống tiêu cực viết lên phải tâm phục khẩu phục", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, năm 2024 là một năm báo chí vượt khó khăn, trong đó có khó khăn về kinh tế để hoàn thành nhiệm vụ, tìm giải pháp hiệu quả trong phát triển kỹ năng số.
Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm hoàn thiện các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động; tạo hành lang pháp lý để các nhà báo phát huy tiềm năng, sáng tạo… Từ đó tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp nội dung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp số mà các cơ quan báo chí là nòng cốt.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, đầu quí I/2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội từ trung ương đến cơ sở. Xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh về tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra giám sát và kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, người làm báo.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Hội luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí. Chủ động đề ra chương trình công tác, kịp thời báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động báo chí…
Phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ cương, đổi mới - sáng tạo, phát triển. Nhờ vậy, những sự kiện trọng tâm và nổi bật trong năm 2023 được tổ chức thành công, có hiệu quả; hoạt động của các cấp Hội ngày càng chuyên nghiệp, thiết thực và đi vào chiều sâu…
Tuy nhiên, các cấp hội đã có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, kết quả chưa được như mong muốn.
Trong năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”...
Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, quy tắc đối với hội viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội. Đặc biệt, tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.
Ban Thường vụ mà trực tiếp là Thường trực Hội tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo hoạt động Hội “hướng về cơ sở” có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế để kịp thời nắm bắt điều kiện hoạt động của các cấp Hội và Cơ quan Trung ương Hội giúp công tác chỉ đạo thực sự có hiệu quả. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức chấp hành chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp Hội và nhà báo hội viên; coi trọng công tác kiểm tra,
giám sát tình hình tại cơ sở để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động Hội và hoạt động báo chí.