Hội thảo “Hiện trạng và giải pháp hạn chế đốt rơm rạ”

Theo HNP|12/08/2017 14:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hội thảo “Hiện trạng và giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố” do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội tổ chức chiều ngày 11/8.

Hội thảo “Hiện trạng và giải pháp hạn chế đốt rơm rạ” để tìm ra giải pháp tối ưu nhất việc hạn chế đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường

Hội thảo nhằm công bố hiện trạng và tham vấn giải pháp về xử lý rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch với sự tham gia của 19 quận, huyện có rơm rạ để đốt, các Sở,ngành, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các nhà khoa học trong lĩnh vực có liên quan.

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, mỗi năm, thành phố Hà Nội phát sinh hàng triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng rơm rạ phát sinh là 642 nghìn tấn (chiếm 59%), trấu là 11 nghìn tấn (chiếm 16%); thân và lá ngô là 204 nghìn tấn (chiếm 19%) và lõi ngô là 68 nghìn tấn (chiếm 6%).

Cùng trong cơ cấu sử dụng rơm rạ của thành phố Hà Nội, mỗi năm, thành phố đang đốt bỏ khoảng 296 nghìn tấn rơm rạ, (chiếm 36%) tổng lượng rơm rạ phát sinh; việc tận dụng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, đun nấu, trồng nấm, làm phân bón… còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên Và Môi trường đề xuất xây dựng lộ trình ngay trong năm 2017 triển khai mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” thí điểm tại một số địa phương; năm 2018 lan tỏa thành “Phường xã không đốt rơm rạ”; năm 2019 sẽ tăng cấp độ lên “Quận, huyện không đốt rơm rạ” và đến 2020 sẽ là “Thành phố không đốt rơm rạ”.

Về đánh giá việc thí điểm “cánh đồng không đốt rơm rạ”, tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội trước đây, các hộ sản xuất nông nghiệp tích trữ rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò hoặc làm nguyên liệu đun nấu. Hiện nay, do không chăn nuôi và sử dụng bếp gas nên nhiều hộ đốt hoặc bỏ rơm rạ trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn hệ thống thủy lợi.

Sau khi thực hiện chiến dịch người dân đã nhận thấy lợi ích sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa thành phân bón vi sinh, tái phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, phòng Tài Nguyên & Môi trường huyện Đan Phượng: trước khi triển khai nhân rộng mô hình cần có những tính toán kỹ hơn đặc biệt về giá thành của các chế phẩm sinh học, hiệu quả về kinh tế của mô hình so với loại hình truyền thống…như vậy mới tạo sự đồng thuận từ phía người dân.

Tại hội thảo, tham luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở ngành, nhà khoa học và một số huyện đã bàn bạc, đề xuất các nhóm giải pháp về chính sách, tài chính và công nghệ, trong đó, tập trung vào: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài và khen thưởng, cơ chế hỗ trợ tài chính xử lý rơm rạ từ các nguồn ngân sách khác nhau, tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ; xây dựng cơ chế ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua rơm rạ làm thức ăn gia súc, trồng nấm, viên đốt, phân bón vi sinh, thủ công mỹ nghệ; đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ làm phân bón và cải tạo đất.

Theo HNP


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội thảo “Hiện trạng và giải pháp hạn chế đốt rơm rạ”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.