– Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Uỷ ban Điều phối các Chương trình Khoa học Địa chất khu vực Đông và Đông Nam Á (CCOP); Đại học Khon Kaen (KKU), Thái Lan; Đại học Québec, Canada; Đại học Tudelft, Hà Lan tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển nước ngầm bền vững với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. TS. Nguyễn Ngọc Thanh- Hiệu trưởng; TS. Phạm Quý Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội chủ trì Hội thảo.
Mục đích của hội thảo là nhằm chia sẻ những thông tin về các nghiên cứu và những kinh nghiệm giữa các nhà khoa học liên quan đến những thách thức phải đối mặt, đó là khan hiếm, ô nhiễm nguồn nước ngầm ở nước ta và các nước trong khu vực trong bối cảnh phải thích ứng với biến đối khí hậu như nghiên cứu nguồn nước ngầm và độ mặn của muối tại Đông Bắc Thái Lan; nghiên cứu tầng nước đá gốc ở Quesbec (Canadian Shield); nghiên cứu phân bổ nguồn nước muối tại tầng nước Pletoxen thuộc đồng bằng sông Hồng; nghiên cứu thăm dò về sự sụt lún đất tại Hà Nội. Đặc biệt, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra những cơ chế, chính sách, cơ hội cũng như thách thức để giải quyết vấn đề này trong tương lai và bàn giải pháp cùng nhau thúc đẩy việc phát triển nước ngầm bền vững.
TS. Nguyễn Ngọc Thanh đã chia sẻ tại hội thảo
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Thanh đã chia sẻ: Tài nguyên nước là thiết yếu đối với cuộc sống của con người, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. Khai thác và sử dụng nước ngầm một cách bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi mà lượng nước ngầm đang giảm, suy thoái và cạn kiệt là thách thức và là những tâm điểm lớn được nhiều nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học quan tâm. Trường ĐH TN&MT Hà Nội mong muốn, sau hội thảo này các chuyên gia trong khu vực sẽ kết nối cùng nhau trong nghiên cứu khoa học, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác các chương trình, dự án, đề tài, nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu…
TS. Nguyễn Ngọc Thanh, TS. Phạm Quý Nhân (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tại Hội thảo
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã thực hiện chuyến đi thực địa ở Nhà máy nước Yên Phụ, Nam Dư. Tại đây, đoàn đã nghiên cứu thực trạng khai thác, xử lý và sử dụng nước ngầm trên địa bàn thành phố Hà Nội và gặp gỡ, trao đổi và giao lưu với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.
Hội thảo đã đánh dấu mốc chuyển mình vượt bậc trong công tác hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học của trường nói riêng và góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên nước ở nước ta nói chung.
Theo Tapchitainguyenvamoitruong.vn