Hội thảo Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích

Thu Thủy|26/07/2019 04:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng nay (26/7), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Capital House tổ chức Hội thảo “Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích”.

Tham dự Hội thảo có ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; đại diện Bộ Xây dựng; ông Jonas Grunder, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, Chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam; bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới; và ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Capital House.

Nằm trong chuỗi các sự kiện của Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam từ 2017 – 2022, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam triển khai dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội của Quốc hội; Hiệp hội đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tổ chức nhiều Hội thảo, Tọa đàm, chương trình giao lưu, xúc tiến… nhằm tạo ra những góc nhìn đa chiều, những sáng kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển Công trình Xanh; hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam Xanh và bền vững.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Capital House tổ chức Hội thảo “Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích”

Tiếp nối chuỗi các chương trình vận động phát triển Công trình Xanh, ngày 26/7/2019, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Capital House tổ chức Hội thảo: Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích, với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ. Hội thảo sẽ tập trung làm rõ nhu cầu và sự quan trọng trong phát triển nhà ở bình dân, nhà ở xã hội tại Việt Nam; tiềm năng thị trường và lợi ích từ việc xanh hóa nhà ở bình dân, nhà ở xã hội; kinh nghiệm và kiến nghị giải pháp triển khai từ những mô hình thực tế…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký VNREA cho biết, nhà ở đại chúng, nhà ở bình dân hay nhà ở giá rẻ là phân khúc được nhắc đến nhiều trong khoảng 3 năm trở lại đây, bởi nhu cầu ở thực của khách hàng luôn chiếm trên 80%.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích” diễn ra sáng ngày 26/7.

Theo khảo sát của VNREA, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm từ 20 – 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn.

“Trong khi đó, nhu cầu về NOXH, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 – 80% nhưng nguồn cung đang thiếu rất nhiều”, ông Chiến cho hay.

Cũng theo đánh giá của VNREA, triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt bởi thời gian qua, khá nhiều đơn vị phát triển bất động sản (BĐS) đã chủ động thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách đầu tư sang loại hình căn hộ bình dân.

“Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường cũng như những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn cả về thể chế và năng lực, chiến lược của các chủ đầu tư, cũng như sự kiểm soát nguồn tài chính BĐS… vẫn là những rào cản khiến phân khúc nhà ở này chưa đáp ứng được kỳ vọng.”, ông Chiến nhận định.

Theo ông Chiến, phân khúc NOXH hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội xuất phát từ một số nguyên nhân như các doanh nghiệp BĐS không mấy mặn mà đầu tư vào loại hình nhà ở này bởi lợi nhuận thấp và giá bán phải theo mức giá trần, khống chế ở mức không vượt quá 10%, con số này quá thấp so với việc đầu tư vào các dự án thương mại.

Ngoài ra, về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, sự thiếu đồng bộ các văn bản pháp luật gây nên tình trạng thiếu quỹ đất, chưa tạo được nguồn vốn mới hỗ trợ.

Từ đó, Chủ tịch VNREA đưa ra một số kiến nghị về nguồn vốn ưu đãi, quỹ đất và thủ tục hành chính để phát triển phân khúc NOXH, nhà ở thương mại giá rẻ.

Về nguồn vốn ưu đãi, ông Chiến cho biết, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã kết thúc vào cuối tháng 3/2016 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai gói tín dụng hỗ trợ tiếp theo.

Do vậy, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra hỗ trợ về mặt tài chính, có thể thông qua một gói tín dụng hỗ trợ khác, hoặc thành lập quỹ đầu tư riêng cho phát triển NOXH… tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như người mua nhà.

Dự án EcoHome 3 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô trở thành điểm sáng trên thị trường nhà giá thấp năm 2019 khi đạt chứng chỉ EDGE

Ngoài ra, vị chuyên gia này chỉ ra rằng, pháp luật về nhà ở đã quy định cụ thể việc dành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng (hoặc bằng quỹ nhà ở, hoặc tiền với giá trị tương đương) để đầu tư xây dựng NOXH. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện dành quỹ đất 20% này còn hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cần chỉ đạo các địa phương triển khai rà soát quy hoạch đô thị để xác định cụ thể vị trí, diện tích đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là NOXH, nhà ở thương mại với tỉ lệ hợp lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Bên cạnh đó, cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện giúp đỡ cho các chủ đầu tư; đầu tư, phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống hạ tầng và thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống tại các dự án nhà ở xa trung tâm.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, hiện nay, phân khúc NOXH, nhà ở giá thấp và trung bình chưa được chú trọng yếu tố xanh trong khi đây là phân khúc có nhu cầu lớn. Do đó, việc phát triển công trình xanh cho phân khúc này là xu thế tất yếu.

Về những lợi ích từ việc xanh hóa NOXH, phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House cho biết, yếu tố xanh giúp cho khách hàng có cuộc sống tiện nghi hơn, cải thiện sức khỏe, làm giảm chi phi điện nước và giúp căn hộ đã mua giữ được giá khi giao dịch,…

Ông Bách dẫn số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, một công trình xanh đạt chứng chỉ EDGE tiết kiệm được 20% tiêu thụ năng lượng, nước và vật liệu so với chuẩn tiêu thụ tương ứng tại địa phương.

Về mặt dài hạn, các chuyên gia có mặt tại hội thảo khẳng định, công trình xanh sẽ giúp nhà đầu tư thu được nguồn lợi lớn hơn nhiều so với công trình thường, giúp giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho người dân co thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.

Thu Thủy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích