Hôm nay (12/5), Quốc hội bàn việc rút ngắn thời gian nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để bầu cử sớm
Trong tuần làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng về lập hiến, lập pháp. Hôm nay (12/5), Quốc hội bàn việc rút ngắn thời gian nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để bầu cử sớm.
Từ ngày 12/5 đến 17/5, Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp.
Trong tuần làm việc này, Quốc hội sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng về lập hiến, lập pháp; đáng chú ý là việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để bầu cử sớm.
Ngay trong sáng 12/5, các đại biểu sẽ nghe trình bày tờ trình và thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Quốc hội cũng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Cùng với dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, những nội dung này sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ vào chiều cùng ngày.
Trong ngày làm việc, Quốc hội còn nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận tại hội trường về nội dự án luật này.
Đáng chú ý, trong tuần, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đây là những nội dung quan trọng để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Những nội dung này diễn ra vào sáng thứ Tư (14/5) và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước quan tâm theo dõi.
Ngoài ra, trong tuần, Quốc hội cũng nghe báo cáo, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng khác như dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết 35/2021của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết 28/2016 và Nghị quyết 107/2020; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022 của Quốc hội.
Cạnh đó còn có dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi);
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
Một số nội dung quan trọng khác được Quốc hội đưa ra bàn thảo trong tuần này còn có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Quốc hội cũng nghe báo cáo quyết toán và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 cùng báo cáo thẩm tra về những nội dung này.