Ngày 15/12, tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức buổi “Tọa đàm Công tác xử lý tội phạm về Động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức” với mục tiêu đánh giá hiệu quả công tác xử lý các vụ án hình sự về Động vật hoang dã (ĐVHD). Các vụ án được đánh giá trong báo cáo đều được ENV ghi nhận trong năm 2020.
Buổi “Tọa đàm Công tác xử lý tội phạm về Động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức”
Trong năm 2020, ENV ghi nhận 105/111 vụ án hình hình sự liên quan đến ĐVHD có các đối tượng bị bắt giữ, chiếm 94,46% – tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Trong giai đoạn năm 2015 – 2019, tỷ lệ này trung bình chỉ đạt 87%. Tính đến tháng 6/2021, 63/105 vụ án được phát hiện năm 2020 có đối tượng bị bắt giữ được đưa ra xét xử, chiếm tỷ lệ 60% – thấp hơn so với mức bình quân ghi nhận trong giai đoạn 2015 – 2019 là 77%. Hiện tại, vẫn còn 42 vụ án được phát hiện trong năm 2020 đang được cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự.
Theo nhận định của ENV, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD được đưa ra xét xử thấp hơn mức trung bình chung ghi nhận trong các năm trước là do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 khiến cho quá trình điều tra và xử lý của nhiều vụ án hình sự bị chậm trễ.
Khoảng 51% số vụ xét xử tội phạm về ĐVHD có đối tượng bị áp dụng hình phạt tù (không được hưởng án treo), không chênh lệch nhiều so với năm 2019 là 50%. Mức phạt tù trung bình chung tăng cao kể từ năm 2015 đến nay khẳng định lập trường ngày càng cứng rắn hơn của các cấp tòa án trong quá trình xét xử tội phạm về ĐVHD. Trung bình cho một đối tượng phạm tội trong năm 2020 là 4,38 năm, giảm nhẹ so với năm 2019 (4,5 năm).
Bà Bùi Thị Hà – Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV
Đặc biệt, cơ quan chức năng đã tuyên phạt nhiều bản án nghiêm khắc đối với tội phạm ĐVHD, có thể kể đến như: Đỗ Thành Sơn 12 năm 6 tháng tù; Nguyễn Đình Hồng 16 năm tù; Nguyễn Thị Thủy 11 năm tù; Dương Văn Phong 10 năm tù…
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu cho rằng, cơ quan chức năng chưa thực sự đầu tư công sức, nguồn sức và tập trung tìm ra kẻ cầm đầu trong các đường dây buôn bán để xử lý, răn đe là nguyên nhân khiến cho công tác xử lý tội phạm ĐVDV đang gặp nhiều thách thức.
Bùi Thị Hà – Phó giám đốc ENV cho biết. “Để chứng minh một hành vi phạm tội của các đối tượng thì không hề dễ dàng, đặc biệt là khi những cái đường dây tội phạm về ĐVHD này thì hoạt động rất tinh vi và có phân công phân nhiệm các vai trò khác nhau. Do đó, để làm rõ đường dây tội phạm đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đi sâu điều tra, truy vết rất lâu”
Nhiều vụ án về Động vật hoang dã được phát hiện và xử lý
Trong giai đoạn 2014 – 2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện 29 vụ vận chuyển ngà voi và vảy tê tại các cảng biển. Tuy nhiên, chỉ 3 vụ việc diễn ra tại Đà Nẵng có đối tượng bị bắt giữ và truy cứu trách nhiệm thành công.
Ngoài ra, tham nhũng là trở ngại lớn cho nỗ lực thực thi pháp luật về động vật hoang dã. Nhờ có sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất, nhiều đối tượng tội phạm đã và đang ngang nhiên thực hiện các hành vi phạm tội mà không lo sợ bị phát hiện, bắt giữ, bị đưa ra xét xử hay phải đối diện với án phạt tù.
Từ những rào cản trên, ENV đưa ra khuyến nghị cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng tham nhũng trong hoạt động xử lý tội phạm ĐVHD bằng cách tập trung điều tra, xử lý các vụ buôn lậu ĐVHD lớn bị phát hiện tại khu vực cảng biển, cảng hàng không, để từ đó làm rõ mạng lưới tội phạm đứng sau những lô hàng đặc biệt này. Cuộc chiến đẩy lùi tội phạm về ĐVHD chỉ có những thay đổi thực sự khi các mạng lưới tội phạm bị triệt tiêu và những kẻ cầm đầu bị bắt giữ, truy cứu trách nhiệm.
Các cơ quan thực thi pháp luật cần quyết tâm không khoan nhượng, không thông cảm, không tư lợi trong các vụ án ĐVHD. Áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn với các trường hợp tham nhũng, thúc đẩy sự liêm chính của các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tố tụng hình sự. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cần giúp người dân hiểu rõ mối liên hệ giữa buôn bán ĐVHD và nguy cơ truyền dịch bệnh để phòng ngừa bệnh tật trong tương lai.
Đức Biền