Hơn 3.500 tên miền giả mạo sử dụng trong 9 tháng qua để lừa đảo người dùng Việt

Mai Hạ|23/11/2023 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo thống kê của hệ thống kỹ thuật của Viettel Cyber Security, hơn 3500 tên miền giả mạo đã được sử dụng vào việc lừa đảo người dùng Việt trong 9 tháng vừa qua.

Cụ thể, trong 9 tháng vừa qua, số lượng tên miền giả mạo được sử dụng vào mục đích lừa đảo tăng mạnh, nhiều phương thức lừa đảo mới nhằm vào người tiêu dùng và các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.

23-ldqm.jpeg
Nửa cuối năm là thời gian các nhóm lừa đảo qua mạng hoạt động mạnh mẽ

Báo cáo cũng cho biết, nửa cuối năm luôn là thời gian hoạt động mạnh mẽ của các nhóm lừa đảo. Theo ghi nhận, số tên miền giả mạo tăng từ 942 (Quý I) lên 1.134 (Quý II) và tăng lên 1.462 (Quý III).

Ngoài các hình thức đã từng được các cơ quan chức năng cảnh báo như: vay tiền trực tuyến, tuyển công tác viên... hệ thống kỹ thuật của Viettel Cyber Security còn phát hiện các hình thức mới nổi bật là chiếm đoạt thẻ tín dụng và sử dụng ứng dụng giả mạo cơ quan tổ chức.

Với hình thức chiếm đoạt thẻ tín dụng thì các đối tượng mạo danh là nhân viên ngân hàng gọi điện mong muốn hỗ trợ các dịch vụ thẻ như rút tiền, nâng hạn mức thẻ... Sau đó các đối tượng gửi đường dẫn lừa đảo để nạn nhân truy cập qua đó nhằm chiếm thông tin cá nhân cũng như thẻ tín dụng.

Còn hình thức giả mạo các cơ quan tổ chức thì các đối tượng mạo danh là cán bộ, viên chức cơ quan Nhà nước gọi điện để yêu cầu nạn nhân xác minh thông tin và hướng dẫn cài đặt ứng dụng giả mạo. Sau khi người dân cài đặt và truy cập thì sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do đó, để phòng chống lừa đảo trực tuyến hiệu quả, các chuyên gia cho rằng người dùng cần nâng cao nhận thức và kiến thức về an ninh mạng bằng cách cập nhật các kiến thức, tìm hiểu các thông tin liên quan (hình thức lừa đảo, dấu hiệu cảnh báo, phân biệt nội dung thông tin).

Việc bổ sung kiến thức về an ninh mạng sẽ giúp người dùng đưa ra quyết định thông minh và tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, lãnh đạo Bộ TT-TT đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định : VNPT, Viettel, MobiFone, FPT…

Cụ thể, kể từ ngày 27/10/2023, tất cả các số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ TT-TT là Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện,… gọi đến người dân sẽ hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Đồng thời, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh như: VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)…

Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ TT-TT hay doanh nghiệp viễn thông nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ TT-TT là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 3.500 tên miền giả mạo sử dụng trong 9 tháng qua để lừa đảo người dùng Việt