Hơn 300 trẻ em và trẻ vị thành niên chết vì AIDS mỗi ngày

Minh Anh (t/h)|28/11/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trung bình một ngày đã có khoảng 320 trẻ em và trẻ vị thành niên tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đại dịch HIV/AIDS.

Đến năm 2030, số ca nhiễm HIV mới ở trẻ vị thành niên có nguy cơ tăng vọt gần 400.000 ca/năm. Ngày 26/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ra thông báo cho biết trong năm 2018, trung bình một ngày đã có khoảng 320 trẻ em và trẻ vị thành niên tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đại dịch HIV/AIDS.

Ảnh minh họa

Thông báo của UNICEF nêu rõ bên cạnh những hạn chế trong công tác phòng ngừa, những khó khăn trong việc tiếp cận thuốc kháng virus (ART) chính là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tỷ lệ tử vong.Các dữ liệu của UNICEF cho thấy sự mất cân đối giữa các khu vực trong việc đảm bảo quyền được điều trị cho trẻ em đang sống chung với HIV. Trong đó, mức độ tiếp cận điều trị tốt nhất được ghi nhận ở khu vực Nam Á (91%), tiếp theo là Trung Đông-Bắc Phi (73%), Đông và Nam Phi (61%), Đông Á-Thái Bình Dương (61%), châu Mỹ Latinh-Caribe (46%), Tây và Trung Phi (28%).

Tỷ lệ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị bằng ART nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm sang con đã gia tăng trên phạm vi toàn cầu, từ mức 44% tại thời điểm gần 10 năm trước lên 82% hiện nay.

Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới. Đứng đầu trong thống kê của UNICEF là khu vực Đông Nam Phi (92%), tiếp theo là châu Mỹ Latin và Caribe (79%), Tây và Trung Phi (59%), Nam Á (56%), Đông Á-Thái Bình Dương (55%) và Trung Đông-Bắc Phi (53%).

Báo cáo đã chỉ ra hai hạn chế lớn trong ứng phó với vấn đề HIV ở trẻ em, bao gồm: Sự tiến triển chậm chạp trong công tác phòng ngừa trong giới trẻ, và thất bại trong việc giải quyết các nguyên nhân chính của dịch bệnh; nhiều trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm bệnh mà không hề hay biết, và thậm chí khi xét nghiệm HIV dương tính, họ hiếm khi tuân thủ việc điều trị thích hợp.

Để giải quyết những điều này, UNICEF đề xuất một số biện pháp để hướng tới mục tiêu về một thế hệ không có AIDS, bao gồm: Tăng cường các xét nghiệm tập trung vào gia đình để xác định những trẻ sống chung với HIV mà chưa được chẩn đoán; tăng cường công nghệ để cải thiện chẩn đoán sớm ở trẻ sơ sinh; sử dụng nhiều nền tảng kỹ thuật số để cải thiện kiến thức về HIV ở thanh thiếu niên; đẩy mạnh các dịch vụ thân thiện với trẻ vị thành niên,…

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hơn 300 trẻ em và trẻ vị thành niên chết vì AIDS mỗi ngày
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.