Những điều cần biết về chứng cảm cúm khi thời tiết giao mùa

Minh Thư (T/h)|27/10/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời tiết giao mùa lúc nóng, lúc lạnh, khi mưa khi nắng là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt không nên chủ quan với chứng cảm.

Nguyên nhân và đường lây

Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/ OMS), ước tính có khoảng 10 – 15% dân số toàn thế giới mắc bệnh cảm cúm trong năm và số lượng tử vong khoảng 250.000 – 500.000 người.

Bệnh cảm cúm (nhiều người gọi tắt là cúm) là một loại bệnh lý thuộc đường hô hấp. Bệnh do các loài virus cúm gây ra. Virus cúm có nhiều chủng và biến chủng thay đổi khó lường.

Do đó, người mắc bệnh không có tính miễn dịch bền vững sau đợt mắc bệnh như các loại virus quai bị, thủy đậu, Zona… Vì bệnh lây qua dịch hắt hơi, nên khả năng lây lan rất nhanh trong gia đình và cộng đồng.

Đây là một trong những bệnh thường diễn ra theo mùa. Mùa dịch cúm là mùa thu và kéo dài cho đến hết mùa đông. Bệnh cảm cúm khởi đầu đột ngột, thường kéo dài 5 – 10 ngày và thời gian tối đa là 2 tuần.

Trong thập niên gần đây xuất hiện dịch cúm A có nguồn lây từ các loài động vật với các biến chủng virus H1N1, H5N1, H7N9 gây bệnh cảm nặng nề và có tỷ lệ tử vong cao đe dọa nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của cộng đồng và thậm chí là quốc gia dân tộc.

Thời tiết nắng mưa, nóng lạnh đan xen là điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh như chứng cảm cúm phát triển, Ảnh minh họa

Đối tượng có nguy cơ mắc cảm cúm

Cảm cúm là loại bệnh mang tính phổ biến. Mọi người, mọi nhà và mọi cộng đồng đều có thể mắc bệnh. Các thống kê cho thấy, một người lớn có khả năng mắc cảm cúm 2 – 3 lần trong năm.

Ở trẻ em khả năng này có thể gia tăng gấp đôi. Sau đây là các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cảm cúm trong cộng đồng:

– Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

– Người cao tuổi trên 65 tuổi

– Phụ nữ mang thai

– Người có hệ miễn dịch yếu, nhất là mắc các bệnh HIV/AIDS, suy dinh dưỡng nặng…

– Người thừa cân quá mức (mắc bệnh béo phì nặng).

– Người mắc bệnh ác tính hoặc mạn tính như ung thư, hen phế quản, suy tim, suy thận, lao, đái tháo đường…

– Nhân viên y tế và nhân viên nhà trẻ (do thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây).

– Điều kiện kinh tế thấp, điều kiện sống chật chội và môi trường tập thể gần gũi như nhà trẻ, nhà dưỡng lão…

Điều cần nhớ: Trên đây chỉ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao mà thôi. Mọi người đều có thể nhiễm virus cúm và phát triển thành bệnh. Do đó, cần phải luôn luôn có ý thức phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

Triệu chứng khi bị cảm cúm

Bệnh cảm cúm thường xuất hiện đột ngột sau khi tiếp xúc và nhiễm virus cúm 24 – 48 giờ. Các biểu hiện của bệnh bao gồm: Mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh, đau cơ bắp, sốt, chảy mũi nước, hắt hơi, ho, đau họng. Các biểu hiện nặng kéo dài 3 – 5 ngày.

Việc khởi đầu chăm sóc và điều trị sớm, thường giúp hạn chế sự lây lan, rút ngắn thời gian kéo dài của bệnh và các biến chứng có thể gặp, đặc biệt là các nhiễm trùng cơ hội ở người bệnh cảm cúm.

Hướng điều trị

Hầu hết những người mắc bệnh cảm cúm đều được điều trị ngoại trú tại nhà. Họ nghỉ ngơi, tự uống thuốc và tự chăm sóc mà không cần bất cứ sự hỗ trợ chuyên môn nào khác. Đa số đều khỏi bệnh. Người bệnh chỉ đến các cơ sở y tế hoặc gặp nhân viên y tế khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh nặng hoặc các biến chứng.

Điều trị cảm cúm không có thuốc đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng bằng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường (Paracetamol, Aspirin, Ibuprofen…) và nâng cao thể trạng bằng các loại Vitamine (Vitamine C, Vitamine B1, Bcomplex-C…).

Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước để bù lượng nước mất khỏi cơ thể do mồ hôi bay nhanh vì sốt.

Lưu ý quan trọng: Trong mùa dịch sốt xuất huyết, hoặc nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết người bệnh cần tránh dùng các loại thuốc hạ sốt giảm đau gây nguy cơ xuất huyết cao như Aspirine, Ibuprofen.

Không nên chủ quan với chứng cảm cúm khi thời tiết giao mùa

Cách phòng bệnh

– Chủng ngừa vắc xin phòng cảm cúm. Tuy nhiên như đã nói, miễn dịch này không có tính bền vững nên phải tiêm lặp lại hàng năm. Hơn thế nữa, vắc xin phòng bệnh thuộc chủng virus này không có tác dụng đối với chủng virus khác. Do đó, việc tiêm phòng vắc xin phòng tránh cảm cúm là không phổ biến tại nhiều quốc gia.

– Tránh tiếp xúc nhiều với người bệnh và nguồn động vật mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Người bệnh cần đeo khẩu trang hoặc dùng tay che miệng khi hắt hơi, khi ho để hạn chế văng nước bọt đưa nguồn vi khuẩn lây bệnh ra môi trường.

Người lành cũng cần đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh hoặc khi ở trong môi trường có nhiều khả năng lây lan. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh và vật dụng mà người bệnh đang sử dụng.

– Không đi đến những vùng có thông báo dịch cúm A đang xảy ra. Trong điều kiện bất khả kháng, những người về từ vùng có dịch cúm A đều phải được cách ly theo dõi chặt chẽ các triệu chứng mắc bệnh để tránh bùng nổ thành dịch gây thảm họa cho gia đình và cộng đồng.

– Tại các cơ sở y tế, người bệnh cần được chăm sóc riêng biệt. Trong trường hợp xếp chung phòng thì chỉ xếp những người có cùng một nguyên nhân mắc bệnh với nhau.

Hạn chế tối đa việc di chuyển bệnh nhân để tránh đưa nguồn lây lan rộng trong bệnh viện. Tốt nhất, nên cho nhân viên đến lấy các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân tại chỗ nhằm hạn chế sự di chuyển của bệnh nhân. Người bệnh cũng thường xuyên đeo khẩu trang trong quá trình nằm viện điều trị cúm.

Minh Thư (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những điều cần biết về chứng cảm cúm khi thời tiết giao mùa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.