Tốc độ gia tăng nhanh chóng các cụm khu công nghiệp (KCN), chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư khiến các tỉnh trong lưu vực sông phải cùng chung tay để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Trên thực tế, vấn nạn ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai đã luôn là vấn đề thời sự trong nhiều năm qua.
>>>TPHCM: Nguy cơ ngập úng do triều cường đạt đỉnh
>>> Đà Nẵng: Mưa lớn làm sạt lở nặng vỉa hè đường du lịch ven biển
Làng cá bè La Ngà được xác định là một trong những nhân tố gây ô nhiễm sông Đồng Nai. (Ảnh: SGGP)
KCN Biên Hòa 1 là KCN lâu đời nhất tại Việt Nam, ra đời năm 1963, có tổng diện tích trên 320ha, hiện có khoảng 80 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Mỗi ngày, các nhà máy xả hơn 9.000m3 nước thải. Trong đó, chỉ hơn 1.000m3 được xử lý qua hệ thống xử lý chất thải của tỉnh, số còn lại DN phải tự xử lý rồi xả ra sông Đồng Nai. Đây được xác định là một trong những tác nhân chính khiến cho chất lượng môi trường nước sông ngày càng đi xuống.
Từ khu vực làng bè trên sông Cái (phường Tân Mai, TP Biên Hòa), xuôi thuyền một đoạn ngắn là KCN Biên Hòa 1. Hai bên bờ, cứ cách một khoảng lại thấy hệ thống cống xả nước thải từ các nhà máy. Theo quan sát của chúng tôi, nước thải từ các hệ thống cống 2 bên bờ có chỗ đen đặc, sủi bọt. Ông Hùng, một người dân ở phường An Bình (TP Biên Hòa), sinh sống sát bờ sông Đồng Nai, cho biết. “So với chục năm trước, nước sông giờ bằng mắt thường cũng thấy ô nhiễm, bốc mùi hôi, nhất là mùa khô, những hôm nước kiệt”. Cũng theo ông Hùng, cách đây mấy năm, một lần cá nuôi của làng bè Tân Mai bị chết sạch và cơ quan chức năng xác định là do chất thải từ một nhà máy gần đó, buộc nhà máy này phải bồi thường. Hiện rất nhiều người nuôi cá lồng bè trên các kênh rạch ven sông Đồng Nai đã phải bỏ nghề vì nước sông ô nhiễm dẫn đến cá chết, thua lỗ nhưng không biết kêu ai.
Không chỉ các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1, hệ thống nước thải của TP Biên Hòa hiện vẫn là áp lực gây ô nhiễm nặng nguồn nước sông Đồng Nai. Theo kết quả của Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai), chất lượng nước sông Đồng Nai tại hợp lưu các suối xả nước thải sinh hoạt của TP Biên Hòa đang bị ô nhiễm nặng, các tiêu chuẩn về chất rắn lơ lửng, chất thải hữu cơ và vi khuẩn E.coli trong nước đều ở ngưỡng vượt mức cho phép. Cụ thể, các hợp lưu gây ô nhiễm sông Đồng Nai, gồm: suối Linh (phường Tam Hiệp), suối Săn Máu (phường Tân Mai), suối Siệp (thuộc thị xã Dĩ An, Bình Dương, hợp lưu với sông Đồng Nai tại phường Tân Vạn), suối Bà Lúa (phường Long Bình Tân)… chủ yếu là nước thải sinh hoạt, có màu đen và luôn bốc mùi hôi thối.
Chưa dừng lại ở đó, người dân sống bấp bênh tại các làng cá bè trên các nhánh sông La Ngà (huyện Định Quán) và sông Cái (TP Biên Hòa) cũng được xác định xả xuống sông một lượng chất thải không hề nhỏ. Theo thống kê, hiện có trên 850 bè cá của gần 400 hộ dân tập trung tại khu vực TP Biên Hòa đang khiến tình hình ô nhiễm ngày càng trở nên căng thẳng. Người nuôi cá có thói quen sinh hoạt ngay trên bè nên chất thải cứ xả thẳng ra sông. Nhiều chủ bè mua phế phẩm từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm, hoặc xin thức ăn thừa từ nhà hàng, quán ăn tái chế để chăn nuôi cá. Trong nhiều năm qua, dân làng bè Tân Mai đã phải chịu cảnh khốn đốn bởi cả trăm tấn cá chết hàng loạt (do mật độ lồng nuôi dày đặc, vượt mức quy định), cùng với nước thải sinh hoạt của người dân sống trên bè và tàu thuyền ra vào nhiều… làm môi trường ô nhiễm nặng, khiến dịch bệnh bùng phát. Ông Trần Văn Sang, một chủ bè tại đây thừa nhận, có gây ô nhiễm, nhưng đây là nghề mưu sinh nên đành nhắm mắt làm bừa.
Tuy nhiên, ô nhiễm chưa phải là tình trạng duy nhất gây lo lắng ở sông Đồng Nai, mà tình trạng sạt lở, khai thác cát tràn lan phía thượng nguồn, lấp sông xây dựng đô thị ở hạ nguồn… cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh tồn của dòng sông.
Cũng phải thừa nhận, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm trên sông Đồng Nai trong vài năm qua. Thế nhưng, dường như sự cố gắng này chưa đủ, bởi việc phát triển quá nhanh của các KCN, các khu dân cư di dân tự do cũng ngày ngày tạo áp lực ô nhiễm lên dòng sông. Như đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 được UBND tỉnh giao cho Tổng Công ty Phát triển KCN Sonadezi thực hiện với số vốn hơn 15.000 tỷ đồng, để KCN này trở thành trung tâm hành chính tỉnh, trung tâm thương mại, đô thị. Nhưng hiện kế hoạch di dời vẫn đang giẫm chân tại chỗ vì những khúc mắc về pháp lý (tại đây có hơn một nửa số doanh nghiệp thuê đất đến sau năm 2050) dẫn tới kế hoạch bị đình trệ. Nhiều DN cho rằng, họ cần có chính sách bù đắp vì bị thiệt thòi khi di dời (trong đó có việc phát sinh chi phí, khó khăn về nguồn lao động, ngưng hoạt động để di chuyển sẽ mất khách hàng, mất thị trường…).
Việc khắc phục, giảm ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai nếu chỉ có tỉnh Đồng Nai thôi thì chưa đủ. Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban BVMT Đồng Nai), ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, kiêm Chủ tịch Ủy ban BVMT Đồng Nai, yêu cầu các địa phương trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ủy ban để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý và cùng giải quyết các vấn đề môi trường trong vùng. Đồng thời, các tỉnh thuộc lưu vực sông cần cam kết thực hiện hài hòa nguồn nước lưu vực sông, thống nhất các khu vực ưu tiên bảo vệ, các khu vực được phép khai thác, xả thải để bảo vệ lưu vực sông.
Theo Báo SGGP