(Moitruong.net.vn) – Theo giới chức Indonesia, tính tới ngày 7/10, số người được cho là mất tích sau thảm họa kép đã lên tới gần 5.000 người, lớn hơn nhiều lần so với thông tin trước đó.
Bồ Đào Nha: Cháy rừng tại công viên tự nhiên Sintra-Cascais
Vĩnh Long: Triều cường vỡ đê bao, hàng trăm héc ta cây ăn quả ngập sâu
Thảm họa kép khiến gần 5.000 người mất tích. Ảnh: Reuters
Tính đến Chủ nhật, 7/10, số người thiệt mạng trong thảm họa động đất – sóng thần ngày 28/9 tại Sulawesi (Indonesia) đã chạm mốc 1.944 người.
2.549 người hiện vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Số người mất tích và được cho là đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát lần lượt là 683 và 152 người.
Tuy nhiên, số người mất tích trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều, lên tới 5.000 người, AFP dẫn lời quan chức địa phương.
Phát ngôn viên cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia – Sutopo Purwo Nugroho cho biết hầu hết những người thiệt mạng đều là cư dân thành phố Palu – thủ phủ tỉnh Sulawesi. Tiếp đến là các quận Donggala, Sigi, Parigi Mountong và quận Pasang Kayu thuộc tỉnh Tây Sulawesi.
Ông Nugroho cũng cho biết, việc tìm kiếm những người hiện chưa xác định được tung tích sẽ tiếp diễn đến ngày 11/10. Sau ngày này, việc tìm kiếm sẽ dừng lại và những người đang được liệt kê vào diện mất tích sẽ được xem là đã tử vong.
Con số trên tăng đáng kể so với ước tính ban đầu về số nạn nhân mất tích vì thiên tai. Trong khi đó, các nỗ lực cứu trợ cũng đang được đẩy nhanh nhằm hỗ trợ 200.000 người bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần tàn khốc.
Bộ Xã hội Indonesia thông báo tất cả cư dân của tỉnh Trung Sulawesi bị ảnh hưởng của các trận động đất và sóng thần sẽ nhận được quỹ hỗ trợ xã hội của chính phủ với mức 10.000 Rupiah/người trong 3 tháng (tương đương 2.300 USD). Mỗi gia đình có nhà ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ được nhận viện trợ 3 triệu rupiah.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có kế hoạch sẽ cấp kinh phí để giúp người dân sửa chữa, khôi phục những ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy bởi các trận động đất và sóng thần. Hiện Bộ Xã hội có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ xã hội cho những người bị ảnh hưởng và quản lý, phân phối quỹ bồi thường cho những người thừa kế của các nạn nhân đã thiệt mạng.
Quỳnh Dao (T/h)