(Moitruong.net.vn) – Ông cha ta có câu: “Cúng cả năm không bằng ngày Rằm Tháng Giêng”, chính vì vậy, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ. Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau.
Mâm cỗ cúng Rằm Tháng Giêng – Ảnh minh họa
Mâm cỗ cúng Rằm Tháng Giêng
Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm, theo nghĩa Hán Việt “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười).
Tết Nguyên tiêu, ngoài tên gọi là lễ Thượng Nguyên, còn có nhiều tên khác như: Nguyên Tịch; Nguyên Dạ, Tết Trạng nguyên…
Mâm cỗ cúng Rằm Tháng Giêng bao gồm mâm cỗ cúng Phật và mâm cỗ cúng Gia tiên.
Mâm cỗ cúng Phật gồm: Hoa quả; Chè xôi; Các món đậu; Canh xào không thêm nhiều hương liệu; Bánh trôi nước; Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món.
Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
Mâm cỗ cúng gia tiên: Mâm cỗ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món;
4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc; 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm.
Đồ lễ khác gồm: Hương – Hoa tươi – Vàng mã – Đèn nến – Trầu cau – Rượu, thuốc lá
Cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào?
Cúng Rằm tháng Giêng cúng vào ngày chính Rằm ngày 15 tháng Giêng là tốt nhất và nên cúng vào buổi sáng sớm. Và giờ để cúng Rằm tháng Giêng là giờ Mão (05h00 – 07h00), giờ Thìn (07h00 – 09h00). Chính vì vậy, các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ.
Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện cuộc sống, mỗi gia đình lại tùy biến linh động cúng vào ngày, giờ khác nhau. Họ quan niệm rằng việc thờ cúng chỉ cần thể hiện tinh thần chung là tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, thần thánh.
Ngoài ra, vào ngày 14 hoặc chính rằm, người dân đã tấp nập đến chùa lễ Phật, cầu bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc… cho cả năm.
Bật mí những điều cần kiêng kỵ trong ngày Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng nên theo quan niệm dân gian, có một số kiêng kỵ mọi người nên biết để có một năm thuận lợi, nếu tránh được sẽ tốt cho vận khí của bạn và gia đình.
Tránh đánh vỡ, làm hỏng đồ đạc trong nhà, bởi vì điều đó đồng nghĩa với việc năm tới tài phúc hao tổn.
Kiêng đi đến những nơi âm khí nặng như mồ mả, nơi hoang vu hoặc bệnh viện, nhất là những người sức khỏe yếu kém.
Tránh mang nhiều tiền bạc, đồ vật có giá trị bên người. Nếu mất mát tài sản vào ngày này thì năm nay tài vận của bạn sẽ kém đi.
Kiêng cho người khác mượn tiền, nếu bạn cho mượn nghĩa là bạn cũng cho đi tài khí của mình.
Không để thùng gạo trong nhà lộ đáy, thùng gạo trống rỗng chẳng khác gì nhà bạn sẽ đói kém cả năm.
Không để quần áo bị rách, theo quan niệm xưa thì nếu quần áo rách, năm tới bạn sẽ bị vận rủi đeo bám.
Không được sát sinh, nếu không tài vận suy giảm, gặp tai nạn, bệnh tật.
Kiêng câu cá vào ngày này vì theo quan niệm tâm linh của người Việt, hành động câu cá vào ngày rằm sẽ mang lại cho người đó vận hạn đen đủi.
Không nói bậy, chửi tục, nếu không sẽ gặp chuyện thị phi.
Hân Hân (T/h)