Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa từ những năm 2017 trở về trước, mía là một trong những cây trồng chủ lực được ưu tiên phát triển trên địa bàn thị xã Ninh Hòa với diện tích sản xuất khoảng 11.000 ha. Sản lượng thu được khoảng 600.000 tấn, hiệu quả kinh tế từ sản xuất mía đem lại là khá cao.
Tuy nhiên, từ năm 2018 do ảnh hưởng từ việc giảm thuế nhập khẩu đường theo hội nhập quốc tế đã khiến cho giá đường trong nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng ngày càng giảm; trong khi đó chi phí đầu tư cao nên hiệu quả kinh tế từ sản xuất mía thấp, thậm chí nhiều người dân thua lỗ.
Từ đây, người nông dân có xu hướng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ mía sang cây ăn quả, cây sắn (mỳ), keo,…có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơn sốt bất động sản vừa qua trên địa bàn thị xã, một số người dân đã thực hiện sang nhượng các diện tích đất sản xuất mía cho người dân khác nên diện tích sản xuất mía qua các vụ gần đây giảm đáng kể. “Đỉnh điểm niên vụ 2021 – 2022, diện tích sản xuất mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa chỉ còn khoảng 5.700 ha”, ông Lê Minh Tâm, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa thông tin.
Giá mía ở Khánh Hòa hiện đang cao kỷ lục nhưng người nông dân vẫn còn lo lắng.
Đa số diện tích mía người dân sản xuất trong niên vụ này nằm trong các khu vực tương đối thuận lợi về nước tưới, dễ áp dụng cơ giới hóa nên năng suất tương đối cao, bình quân trên 55 tấn/ha. Giá mía thu mua khoảng 1,1 triệu đồng/tấn/chữ đường 10 CCS (bao gồm hỗ trợ vận chuyển) cao hơn so với các niên vụ trước (khoảng 800.000 – 900.000 đồng/tấn/chữ đường 10 CCS).
Ông Nguyễn Phương Dũng trú ở thôn Trung, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa cho biết, ông trồng 2ha mía tơ. Thời tiết năm nay thuận lợi nên mía của ông đạt năng suất cao, trung bình khoảng 8 tấn/sào (tương đương 80 tấn/ha). Theo ông, sản lượng mía năm nay, nhìn chung cả mía tơ lẫn mía lưu gốc đều đạt hơn mọi năm.
Còn ông Lê Thúc Hải, thôn Nam, xã Ninh Tân cho hay, gia đình ông trồng 10 ha cả mía tơ và mía gốc, bình quân những năm trước thu hoạch được từ 400 – 500 tấn, tương đương 1 ha mía chỉ từ 40 -50 tấn. Năm nay, năng suất trung bình đạt khoảng 60 tấn/ha, cao hơn so với những năm trước.
“Năm nay, mía ở đất đồi có năng suất cao hơn so với đất bằng. Mía của gia đình tôi trồng trên đất bằng nên sản lượng không cao bằng mọi người nhưng vẫn đạt. Giá mía của nhà máy nơi tôi đăng ký bán, thu mua với giá 1.005.000 đồng/tấn (chữ đường 10 CCS), hỗ trợ tiền tăng bo 60.000 đồng/tấn. Giá mía cao cộng với sản lượng tốt nên gia đình tôi có lãi”, ông Lê Thúc Hải cho biết thêm.
Không chỉ riêng ông Hải, tại các vùng trồng mía trọng điểm ở thị xã Ninh Hòa như: Ninh Xuân, Ninh Tân, Ninh Sim… đa phần nông dân đều phấn khởi bởi giá mía được công ty thu mua cao, bởi sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi. Tuy vậy, chi phí cho công chặt, tiền tăng bo nhiều nên vụ mía vẫn còn là nỗi trăn trở của nông dân trồng mía.
Ông Lê Thúc Hải nói thêm, sát thời gian thu hoạch do thời tiết mưa nhiều nên dẫn đến ruộng mía bị lún, xe tải không thể vào trực tiếp để bốc mía. Nông dân trồng mía phải thuê nhân công bốc vác hoặc xe công nông tải mía ra đến đường bê tông hoặc đường lộ khiến chi phí tăng lên rất nhiều. Trung bình, mỗi xe mía chi phí đến 2 triệu tiền tăng bo.
Tuy nhà máy thu mua mía nguyên liệu có hỗ trợ 60.000 đồng/tấn nhưng vẫn không đủ. Mặc khác, ở vùng mía Ninh Tân vẫn còn thu hoạch mía theo phương thức truyền thống, người dân, chủ yếu là người lớn tuổi chặt mía bằng phương pháp thô sơ nên chi phí tiền công cao, kéo dài nhiều ngày. Tiền công cho mỗi bó mía từ 1.700 – 2.000 đồng.
Tiền công cho mỗi bó mía từ 1.700 – 2.000 đồng, tăng nhẹ so với năm trước chỉ từ 1.400 -1.600 đồng/bó
Không chỉ ở vùng mía Ninh Tân, ở Ninh Xuân và nhiều nơi khác của thị xã Ninh Hòa giá nhân công chặt, tăng bo mía từ cánh đồng đến nhà máy đều tăng. Anh Lê Thái Thoại ở thôn Tân Sơn, xã Ninh Xuân bày tỏ, năm ngoái giá nhân công anh trả khoảng 1.600 đồng/bó thì năm nay lên 1.800 đồng/bó và còn có thể tăng thêm trong thời gian tới do thiếu người.
Hơn thế nữa, nỗi lo vật tư nông nghiệp cũng thường trực đối với với người nông dân, bởi mỗi năm giá vật tư đều tăng nhẹ và tăng đều. “Một bao phân NPK 50kg năm ngoái chỉ khoảng 600.000 đồng/bao thì hiện nay đã lên từ 800.000 – 900.000 đồng/bao. Trong khi đó xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua nên vụ mía tiếp theo sẽ không biết sẽ thế nào” – anh Lê Thái Thoại lo lắng.
Ông Võ Ngọc Phi Vũ – Chủ tịch xã Ninh Tân chia sẻ, nếu như trước đây đi dọc tuyến tỉnh lộ 5 đoạn qua địa bàn xã, đâu đâu cũng là những cánh đồng mía xanh mướt thì nay bà còn đã chuyển đổi dần sang các loại cây trồng khác. Vừa qua khi cơn sốt bất động sản đi qua, không ít nông dân có xu hướng bán đất nương rẫy để thu tiền…
Ông Vũ cho biết, tuy có giai đoạn trồi sụt nhưng không ít nông dân vẫn quyết bám trụ với cây mía. Cũng có không ít nông dân đầu tư bài bản bằng công nghệ hiện đại về cây mía. Từ thu nhập cây mía, người nông dân lấy vốn đầu tư trồng keo theo hướng lấy ngắn nuôi dài.
Ông Biện Tuấn An – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa – Ninh Hòa – hiện tổng hơn 5.000ha trên toàn địa bàn thị xã Ninh Hòa, năng suất hiện tại đã thu hoạch trung bình 60 tấn/ha. Năm nay tổng chi phí mà công ty mua mía của nông dân hơn 1,1 triệu đồng/tấn.
Ông Biện Tuấn An cũng thừa nhận có tình trạng giảm diện tích mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa. Nguyên nhân là do có một phần lớn diện tích đất ở Ninh Hòa hiện nằm quy hoạch các dự án lớn, từ đó khiến người nông dân có tâm lý chờ đợi để bán đất.
Để hỗ trợ nông dân, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa – Ninh Hòa đã hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu cho nông dân 4,8 triệu/ha gồm chi phí giống, phân bón vi chi, các chế phẩm; ban hành chính sách cam kết giá thu mua mía, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng mía như sử dụng máy bay không người lái vào việc phun chế phẩm; sử dụng máy thu hoạch liên hợp mía thu hoạch…
Vũ Thành