Khánh Hòa: Tập trung điều tiết các hồ chứa nước hợp lý

Gia Hân|05/02/2023 13:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện nay, các hồ chứa trên toàn tỉnh Khánh Hòa có lượng nước tương đối dồi dào, đảm bảo đủ cho các nhu cầu trong năm 2023. Tuy nhiên, các đơn vị quản lý hồ chứa vẫn cần tập trung thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, điều tiết hợp lý.

Theo ông Nguyễn Thái Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, trong số 18 hồ chứa nước lớn do công ty quản lý, khai thác, ngoại trừ hồ Suối Sim chỉ có 0,77 triệu mét khối nước, đạt 58,8% so với dung tích; 17 hồ chứa còn lại có lượng nước đạt hơn 97% so với khả năng chứa của các hồ. Chẳng hạn hồ Đá Bàn có sức chứa 75 triệu mét khối, hiện nay chứa 74,36 triệu mét khối nước; hồ Suối Dầu có sức chứa hơn 32 triệu mét khối, hiện nay đạt 98,8% dung tích; hồ Cam Ranh có 22,1 triệu mét khối nước, đạt 100% dung tích… Theo đánh giá tình hình nguồn nước hiện có và dự kiến kế hoạch sử dụng nước năm 2023, các hồ chứa nước với dung tích hiện tại đảm bảo đủ nước tưới vụ đông xuân, hè thu và cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp trong năm nay.

Cũng theo đơn vị quản lý hồ chứa, toàn bộ các công trình đều hoạt động bình thường, điều tiết phục vụ nước tưới cho vụ lúa đông xuân cơ bản hoàn tất, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp theo tiến độ. Từ đầu tháng 1 đến nay, công ty đã tập trung điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm cho vụ đông xuân; thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hạng mục, công trình đầu mối và quy trình vận hành đóng, mở tràn, cống, thiết bị cơ khí… nhằm phát hiện và kịp thời xử lý những nguy cơ rủi ro, đảm bảo an toàn công trình; tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự tại các công trình đầu mối, cụm công trình, nhất là trong dịp Tết vừa qua.

ho-chua-nuoc.jpg
Hồ chứa nước Đá Bàn đã đạt dung tích hơn 99%

Theo tính toán, các hồ chứa đang có lượng nước tương đối dồi dào so với các năm trước, song hầu hết các hồ, đập dung tích nhỏ nên trong điều kiện nắng nóng kéo dài hoặc sử dụng thiếu hợp lý vẫn có thể xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước. Chẳng hạn như tại 3 đập dâng, gồm: Đồng Tròn, Phước Mỹ và Hàm Rồng (thị xã Ninh Hòa) đang phải tính toán, cân đối tùy theo tình hình thời tiết. Tại đập dâng Đồng Tròn, qua theo dõi nguồn nước từ suối Nhà Chay, trong trường hợp thời tiết không có mưa bổ sung, nguồn nước từ suối Nhà Chay về đập dâng sẽ thiếu hụt, không đủ nước tưới cho khoảng 511ha lúa vụ hè thu theo kế hoạch. Tương tự, đập dâng Phước Mỹ (tưới cho 36ha) lấy nguồn nước từ Suối Đá và đập dâng Hàm Rồng (tưới cho 284ha) lấy nguồn nước từ suối Ba Hồ, trong trường hợp không mưa, các suối cạn kiệt, 2 đập dâng này khó có thể cung cấp đủ nước sản xuất trong vụ hè thu.

Ngoài ra, việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, năm nay, các hồ, đập tiếp tục cấp nước phục vụ sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác cho 11 đơn vị (các công ty cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản) và 1 hộ kinh doanh với tổng lượng nước hơn 23,1 triệu mét khối. Nhiệm vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ là đối tượng ưu tiên nên việc tính toán, cân đối nhằm đảm bảo nước cho các nhiệm vụ này luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo ông Lê Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chi cục trong năm nay là triển khai kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với tình hình sản xuất và lịch thời vụ năm 2023. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, tổ chức thủy lợi cơ sở (hợp tác xã nông nghiệp) trong việc quản lý, bảo vệ nguồn nước từ các hệ thống công trình thủy lợi, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước; rà soát, kiểm tra, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt diện tích tưới, cấp nước được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023 đối với các tổ chức dùng nước trên địa bàn tỉnh. Qua theo dõi, đánh giá, nguồn nước phục vụ cho năm 2023 không quá khó khăn như các năm trước. Tuy nhiên, các đơn vị, doanh nghiệp cũng phải quán triệt, tuân thủ việc sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí nước.

Bài liên quan
  • Hồi sinh những cánh rừng ngập mặn ở Khánh Hoà
    Nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, sự chung tay của cả cộng đồng, trong những năm qua, nhiều diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà từng bị tàn phá một thời đã dần hồi sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khánh Hòa: Tập trung điều tiết các hồ chứa nước hợp lý
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.