Khẩu trang y tế đã qua sử dụng có thể tái chế thành vật liệu làm đường

Mai An|19/02/2021 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước thực trạng một lượng lớn khẩu trang dùng một lần bị vứt bỏ, nhất là đại dịch Covid-19 hoành hành, các nhà khoa học học tại Đại học RMIT đã nghiên cứu thành công phương pháp biến khẩu trang y tế khổng lồ bị thải ra môi trường thành vật liệu làm đường.

Ước tính mỗi ngày có khoảng 6,8 tỉ khẩu trang dùng một lần được sử dụng trên toàn cầu. Do đó, việc tìm ra phương án xử lý khẩu trang và các trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) bị thải ra môi trường sau khi sử dụng trong dịch Covid-19 là một vấn đề rất quan trọng.

Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học RMIT đã nghiên cứu thành công phương pháp xử lý lượng khẩu trang y tế khổng lồ bị thải ra môi trường mỗi ngày trong suốt năm qua.

Cuối cùng, giải pháp được đưa ra là tái chế khẩu trang đã qua sử dụng để làm đường. Vật liệu được sử dụng để làm đường là hỗn hợp nghiền nhỏ của khẩu trang loại dùng một lần và xà bần (gạch, vữa, đất, đá… sau khi dỡ bỏ các công trình cũ).

Theo thiết kế của nhóm nghiên cứu, phần đường được cấu tạo bởi 4 lớp gồm lớp đất nền tự nhiên, lớp nền, lớp lót nền và lớp nhựa đường trên cùng. Xà bần qua xử lý được xem là một loại bê tông tái chế tổng hợp và có thể sử dụng cho cả ba lớp nền.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc thêm khẩu trang nghiền nhỏ vào vật liệu bê tông tái chế tổng hợp làm tăng thuộc tính vật liệu, đồng thời giải quyết các vấn đề về môi trường do rác thải từ trang bị bảo hộ cá nhân và rác thải xây dựng. Tỉ lệ trộn tối ưu nhất, là 1% khẩu trang nghiền với 99% bê tông tái chế tổng hợp, tạo nên độ gắn kết cao giữa hai loại vật liệu.

 Khẩu trang nghiền nhỏ vào bê tông tái chế tổng hợp làm tăng thuộc tính vật liệu

Loại vật liệu này có thể đáp ứng các chỉ tiêu an toàn trong xây dựng công trình dân dụng. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, bột khẩu trang giúp tăng thêm độ cứng và độ bền cho thành phẩm. Hỗn hợp vật liệu này có thể dùng để lót các lớp nền cho mặt đường và vỉa hè.

Nhóm nghiên cứu cho biết, sẽ cần đến 3 triệu chiếc khẩu trang đã qua sử dụng để làm vật liệu cho 1 km đường với hai làn xe, tương đương với việc giảm 93 tấn rác thải bị đẩy ra môi trường.

Công trình trên cũng đã nghiên cứu tác động môi trường và rủi ro liên quan đến lượng rác thải là các trang bị bảo hộ cá nhân.

Kim Ha-neul cho biết, đã nảy ra ý tưởng trên khi thấy nhựa đều có thể tái chế, trong khi hầu hết các loại khẩu trang đều được làm từ sợi tổng hợp.

Khẩu trang y tế hữu ích đối với con người nhưng là hiểm họa mới đối với tự nhiên. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, rác thải khẩu trang được tìm thấy ở khắp nơi, từ đường phố, vỉa hè cho đến các bãi biển trên toàn thế giới.

“Khẩu trang y tế sẽ không sớm biến mất. Loại mặt nạ bảo vệ mỏng manh này có thể mất hàng trăm năm để phân hủy ngoài tự nhiên. Khi bị thải ra môi trường, chúng gây hại cho các loài động vật hoang dã”, Ashley Fruno thuộc nhóm bảo vệ quyền động vật PETA nói với AFP.

Theo tiến sĩ Mohammed Saberian, tác giả công trình, ban đầu, nghiên cứu chỉ xác định tính khả thi trong việc tái chế khẩu trang dùng một lần để làm đường. Tuy vậy, nhóm phát hiện rằng không chỉ có thể tái chế, mà sử dụng khẩu trang còn mang lại một vài lợi ích về mặt kỹ thuật. Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu xem các trang bị bảo hộ khác có thể được tái chế theo cách tương tự hay không.

Rác thải khẩu trang không chỉ ảnh hưởng tới các loài trên cạn. Theo nhóm môi trường OceansAsia, hơn 1,5 tỉ chiếc khẩu trang y tế đã bị rửa trôi xuống các đại dương trên thế giới vào năm ngoái, tương đương khoảng 6.200 tấn rác thải nhựa, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhiều sinh vật biển.

Các nhà bảo tồn Brazil đã tìm thấy một chiếc khẩu trang bên trong dạ dày của một con chim cánh cụt sau khi xác của nó dạt vào bờ. Một mảnh khẩu trang khác cũng được tìm thấy trong xác cá nóc trôi nổi ngoài khơi bờ biển Miami của Mỹ. Hồi tháng 9, các nhà hoạt động vì môi trường của Pháp còn phát hiện một con cua chết do mắc kẹt bên trong khẩu trang ở một đầm phá nước mặn gần Địa Trung Hải.

Mai An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩu trang y tế đã qua sử dụng có thể tái chế thành vật liệu làm đường