Khu di tích danh thắng Tây Thiên: Đến nơi thờ Phật, về nơi thờ Mẫu

Quốc Việt|19/02/2017 04:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km về phía tây bắc, khu di tích danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” từ năm 1991.

16832841_1159489167505337_2066877972_o

Ông Hồ Ngọc Hải  – Chủ tịch Trung ương Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam(thứ 8 từ phải sang) cùng Tạp chí Môi trường và Cuộc sống về nơi thờ Mẫu, thờ Phật tại khu di tích thắng cảnh Tây Thiên 

Về nơi thờ Mẫu
Khu di tích thắng cảnh Tây Thiên được xem như một trong những điểm du lịch tâm linh của nhiều người Việt Nam, cứ vào dịp đầu xuân hàng vạn người về đây thăm quan và cầu những điều tốt lành cho một năm mới.
Cảnh tượng đầu tiên khi du khách đến đây nhìn thấy là cây đa chín cội ngả bóng mát xuống Hữu Huyền Cung (nhân dân vẫn quen gọi là đền Thõng). Phía sau là dòng suối Giải Oan (còn gọi là Bát Nhã Tuyền). Ngược lên phía trên là Thác Bạc – dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên, với độ cao hơn 40 m nước đổ xuống trắng xoá như dát bạc, chảy ra hợp lưu với suối vàng ở Hồ Sen rồi chảy ra khe Giải Oan. Đi ngược tiếp lên, du khách tới Đầm Sen, Ao Dứa, núi Rùng Rình, nơi đây còn lưu giữ một hệ động thực vật rất có giá trị. Từ đây, du khách đi bộ ngược lên khoảng 3 km nữa sẽ tới chùa Đồng Cổ, đúc toàn bằng đồng tốt. Trong chùa thờ hai tượng Phật, cho tới nay niên đại và lai lịch về hai pho tượng này vẫn là một bí ẩn mà các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm ra lời giải.

Tay-thien-3

Từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã có rất đông du khách tới chiêm bái tại khu danh thắng Tây Thiên

Theo nhiều tài liệu tín ngưỡng thờ Quốc mẫu, Tây Thiên vốn có nguồn gốc sâu xa là thờ nhiên thần (“Thanh Sơn đại vương” tức thần núi Tam Đảo). Theo thời gian, thần đã được nhân hóa và nữ tính hóa thành một vị nữ thần và tăng quyền thành một nhân vật thời huyền sử, mang lý lịch trần gian với danh hiệu là Chính Vương phi của Hùng Chiêu Vương thứ 7. Theo truyền thuyết, Quốc mẫu Tây Thiên có tên thật là Năng Thị Tiêu, sinh ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Dương. Khi còn sống, trong nước có loạn giặc Thục, bà có công chiêu mộ binh sĩ, giúp Vương cứu nước, cứu dân. Khi mất bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước, nên được truy phong làm Quốc mẫu.

Tục thờ mẫu có rất nhiều tại các làng xã của Vĩnh Phúc, theo Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 di tích thờ Quốc mẫu Tây Thiên. Riêng xã Đại Đình có tới 5 điểm thờ vị Quốc mẫu linh thiêng này. Bên cạnh thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, các đỉnh, đền ở Tây Thiên còn thờ Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn (các vị thần cai quản trời, đất, núi rừng) và các ông hoàng, bà chúa. Để tưởng nhớ Quốc mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15/2 âm lịch, dân trong vùng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc mẫu phù hộ cho bình an, may mắn.

Đến nơi thờ Phật
Quần thể thắng cảnh Tây Thiên rộng khoảng 150 ha, nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú. Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi. Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo… Sự đa dạng sinh học cùng với hệ thống các đình chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên có sức hấp dẫn lớn với khách du lịch và các nhà nghiên cứu.

4

Không chỉ thờ Mẫu, Tây Thiên gắn liền với cửa Phật

Trong “Kiến văn tiểu lục” đã nói về Tây Thiên: “…của Lê Quý Đôn viết: bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa”.

Không chỉ thờ Mẫu, Tây Thiên gắn liền với cửa Phật, ngay từ chính tên gọi địa danh. Đây chính là miền đất Phật theo dân gian. Tương truyền từ xa xưa, ngài Khương Tăng Hội, một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Chính vì vậy, trên con đường về khu danh thắng Tây Thiên, du khách thường ghé qua Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Tọa lạc trên quả đồi rộng khoảng 4,5 ha, nằm trên độ cao khoảng 300 m so với mực nước biển, công trình mang đậm dấu ấn một ngôi chùa Việt Nam với phong cách kiến trúc đương đại. Phía sau chùa là núi rừng xanh tươi, trước là một cánh đồng thẳng cánh cò bay. Theo một số tài liệu còn lưu lại, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền của một thiền tự cổ (Thiên Ân Thiền Tự) có từ thế kỷ 3. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có tòa Chánh điện cao 17 m, diện tích 673,2 m2, 4 trụ đỡ có đường kính gần 1 m, ở giữa là 3 tượng Phật lớn, bên trái là nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Trong Thiền viện này đáng chú ý còn có pho tượng Phật bằng đá hoa cương cao 49 m. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên sau khi khánh thành vào năm 2005 trở thành điểm dừng chân ngoạn cảnh trong hành trình về khu danh thắng Tây Thiên.

Tay-Thien-2

Ga cáp treo Tây Thiên trong những ngày đầu xuân luôn quá tải vì lượng lớn du khách thập phương về thắp hương lễ Mẫu, lễ Phật

Theo Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên, từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Đinh Dậu trở đi đã có rất đông du khách tới chiêm bái tại khu danh thắng Tây Thiên. Trung bình mỗi ngày vừa qua, Tây Thiên đón gần 40.000 lượt du khách/ngày. Để phục vụ chu đáo du khách về chiêm bái đầu Xuân, Ban Quản lý Khu Di tích danh thắng Tây Thiên và Ban Quản lý cáp treo Tây Thiên đã sớm triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; thực hiện phân luồng, hướng dẫn giao thông, bố trí các bãi đỗ ô tô, xe máy và trông giữ phương tiện.

Quốc Việt


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khu di tích danh thắng Tây Thiên: Đến nơi thờ Phật, về nơi thờ Mẫu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.