Khủng hoảng trong “cơn sốt” thịt lợn: Xu hướng lựa chọn thực phẩm thay thế

Hồng Anh (t/h)|31/05/2020 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong cơn bão giá thịt lợn hiện nay, người tiêu dùng có thể lựa chọn những thực phẩm thay thế có giá tiền thấp hơn như cá, tôm, cua, trứng,… nhưng giá trị dinh dưỡng cũng rất cao và tốt cho sức khỏe.

Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng một số sản phẩm nông nghiệp như thịt lợn, sữa giá lại cao hơn các nước công nghiệp. Một trong những nguyên nhân do cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, việc lưu thông phân phối của ngành công thương. Đồng thời, thói quen tiêu dùng của người Việt đã làm chi tiêu cho ăn uống tăng lên, trong khi đó thu nhập của người dân thì thấp mà lại phải mua với giá cao như: giá thịt lợn, giá sữa,…

Trước tình hình giá thịt lợn “leo thang” từng ngày, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác thay vì quan niệm thịt lợn là món không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày.

Người tiêu dùng có thể lựa chọn những thực phẩm thay thế có giá tiền thấp hơn như cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng, nhưng giá trị dinh dưỡng cũng rất cao và tốt cho sức khỏe.

Ảnh minh họa.

So sánh về giá trị dinh dưỡng của một số loại thực phẩm, người tiêu dùng sẽ có cách lựa chọn thực phẩm thay thế để việc chi tiêu hợp lý cho bữa ăn của gia đình.

Thịt lợn nửa nạc, nửa mỡ: 16.5 gam protein, 21.5 gam mỡ, 9 mg can xi, 178 mg phosphor, 1.5 mg sắt, 1.91 mg kẽm, 285 mg kali, 55 mg natri, vitamin A 10 µg.

Đậu tương (đậu nành): Năng lượng 418 Kcal, 34,0gam protein, 18,4gam mỡ, 165mg can xi, 690mg phosphor, 11.0mg sắt, 3.8mg kẽm, 4mg vitamin C, 375µg folate, vitamin A 3µg.

Đậu xanh: Năng lượng 346 Kcal, 23.4gam protein, 2.4gam mỡ, 64mg can xi, 377mg phosphor, 4.8mg sắt, 1.1mg kẽm, 4mg vitamin C, 625µg folate, vitamin A 3µg.

Lạc hạt: Năng lượng 583 Kcal, 27.5gam protein, 44.5gam mỡ, 68mg can xi, 420mg phosphor, 2.2mg sắt, 1.9mg kẽm, 240µg folate, vitamin A 1µg.

Vừng (đen, trắng): Năng lượng 582 Kcal, 20.1gam protein, 46.4gam mỡ, 975mg can xi, 629mg phosphor, 14.55mg sắt, 7.75mg kẽm, 97µg folate, vitamin A 1µg.

Cá diếc: Năng lượng 87 Kcal, 17.7gam protein, 1.8gam mỡ, 70mg can xi, 152mg phosphor, 0.8mg sắt, vitamin A 120µg.

Cá chép: Năng lượng 96 Kcal, 16.0gam protein, 3.6gam mỡ, 17mg can xi, 184mg phosphor, 0.9mg sắt, 1.48mg kẽm, vitamin A 181µg.

Khi chọn thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý, đối với thịt (lợn, gà, bò…) cần chọn những loại có màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh. Mầu sắc bình thường, thịt lợn mầu hồng tươi, thịt bò mầu đậm vừa phải không quá sẫm), thịt trâu mầu tím đỏ; khối thịt săn chắc, có độ dính, mềm và đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra; mỡ lợn mầu trắng, dày bì không có những chấm xuất huyết mầu đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu. Cắt thịt không thấy có nước, thịt không hao, chỗ vết cắt có mầu sáng, khô; kiểm tra phần thịt nạc và lưỡi không được có ấu trùng sán mầu trắng nhỏ bằng hạt gạo.

Đối với cá, cần chọn loại tươi, tốt nhất là cá đang sống. Nếu cá vừa mới chết nhưng thân cá co cứng khi để cá lên bàn tay thân cá không thõng xuống; mắt cá trong suốt, nhãn cầu lồi, giác mạc đàn hồi, miệng ngậm cứng; mang mầu đỏ tươi, dán chặt xuống hoa khế không có nhớt và không có mùi hôi; vây tươi, sáng óng ánh, dính chặt vào thân, không có niêm dịch hoặc có ít niêm dịch trong, không có mùi ươn ôi; bụng lép, không phình, hậu môn thụt sâu và mầu trắng nhạt, nếu cá ươn thì hậu môn mầu hồng hay đỏ bầm, lòi ra ngoài, bụng cá phình to; thịt rắn chắc, có đàn hồi, dính chặt vào xương sống là cá tươi; miệng cá tươi ngậm kín, còn cá ươn, ôi thì miệng hé mở.

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh, việc ăn nhiều thịt, ít rau xanh liên quan trực tiếp đến tình trạng béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, điểm bất hợp lý nữa trong khẩu phần ăn của người Việt là chưa coi trọng dinh dưỡng từ các loại hạt. Thực tế, người dân nông thôn ít bị bệnh tim mạch, ung thư ruột già, đái đường, táo bón hơn so với người dân thành thị. Lý do vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hơn, còn người thành thị ăn nhiều thịt và mỡ, ít thực phẩm có chất xơ.

Thạc sĩ Vũ Thị Huế, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cũng cho rằng, các loại thịt gia cầm, như: Thịt gà, thịt vịt, thịt ngan, thịt ngỗng… được đánh giá là một trong những nguồn cung cấp protein lành mạnh nhất với sức khỏe. Cụ thể, thịt gia cầm ít cholesterol hơn hẳn các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò), từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, phần lớn thành phần chất béo của thịt gia cầm lại là các chất béo không bão hòa, tốt cho sức khỏe. Một loại thực phẩm nữa tốt cho sức khoẻ là cá. Cá có hàm lượng protein dồi dào và rất giàu omega 3 – loại axit béo không no thiết yếu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, mất trí nhớ, viêm khớp…

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn gia đình có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…). Do đó, các bà nội trợ cần bảo đảm sự đa dạng cũng như thay đổi hợp lý giữa các nguồn thực phẩm, từ đó giúp cung cấp đủ dinh dưỡng, bảo vệ sức khoẻ cho mỗi thành viên trong gia đình.

Hồng Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng trong “cơn sốt” thịt lợn: Xu hướng lựa chọn thực phẩm thay thế