Kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam (Bài 2): Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả?

Lương Nguyễn|03/07/2024 17:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sản xuất chăn nuôi trong nước là lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa các cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính lúc này là chưa phù hợp. Vậy giải pháp nào phù hợp để gỡ khó cho ngành chăn nuôi vừa phát triển bền vững những vẫn đảm bảo môi trường, thực hiện hiệu quả việc giảm phát thải, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào năm 2050 như cam kết tại COP 26?

Kiến nghị lùi thời gian kiềm kê khí nhà kính đối với ngành chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, căn cứ quy định tại Điều 6 về danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính (sau đây gọi là cơ sở phải kiểm kê KNK), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục bao gồm các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính thuộc các ngành Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại, công ty kinh doanh vận tải hàng hoá tiêu thụ hằng năm 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm trên 65.000 tấn.

Trong quá trình rà soát và cập nhật danh mục nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất bổ sung cơ sở chăn nuôi (lợn, bò) quy mô lớn vào danh mục các cơ sở phải kiểm kê KNK. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá hiện trạng trong nước và trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương thống nhất đề xuất bổ sung ngành chăn nuôi vào danh mục cơ sở phải kiểm kê KNK. Dự thảo sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm điểm đ khoản 1 Điều 6: “Các cơ sở chăn nuôi có quy mô hằng năm từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên”.

Dự thảo danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành trong năm 2024, trong đó cũng đã đề xuất danh sách 341 cơ sở chăn nuôi đáp ứng điều kiện trên.

Trong văn bản góp ý, Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, mặc dù trước đây vì muốn chia sẻ với mục tiêu Quốc gia trong việc kiểm soát khí phát thải mà Hội Chăn nuôi Việt Nam cho là có thể đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện kiểm kê khí nhà kính. Nhưng qua khảo sát thực tế, tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp, người chăn nuôi và nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm các nước xung quanh, Hội thấy rằng chưa thực sự phù hợp nếu Việt Nam đưa lĩnh vực và cơ sở chăn nuôi vào diện kiểm kê khí nhà kính trong thời điểm hiện nay.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon là chủ trương đúng của Nhà nước nhằm hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

kiem-ke-khi-nha-kinh-trong-chan-nuoi.jpg
Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi phát sinh chi phí lớn và nhiều khó khăn khác cho người chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi

Tuy nhiên, so với các nước công nghiệp phát triển thì không gian giảm phát thải nhà kính của Việt Nam còn khá rộng, có nhiều lĩnh vực có thể tham gia, đảm bảo để Việt Nam sẽ đạt được những cam kết về giảm phát thải nhà kính, như công nghiệp khai khoáng, luyện thép, xây dựng, giao thông, trồng rừng, canh tác lúa…

Những lĩnh vực này vừa có tiềm năng, lợi nhuận cao, vừa được Nhà nước hỗ trợ như trồng rừng hay dự án thâm canh 1 triệu ha lúa chất lượng và giảm phát thải tại ĐBSCL.

Trong khi đó, sản xuất chăn nuôi ở nước ta là lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn so với các ngành kinh tế khác và so với chính lĩnh vực chăn nuôi của các nước phát triển. Do đó, việc đưa các cơ sở chăn nuôi vào Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính lúc này là chưa phù hợp, thiếu khả thi, chưa có sự chia sẻ của Nhà nước với lĩnh vực đang gặp quá nhiều rủi ro trong hội nhập.

Từ những lý do nêu trên, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay, ít nhất cũng là từ nay tới năm 2027.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam đã nêu một loạt các bất cập nếu áp dụng ngay việc kiểm kê khí nhà kính đối với cơ sở chăn nuôi:

Đầu tiên, phát sinh chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước, vốn hiện nay đã đang rất cao so với các nước phát triển. Bởi, chỉ tính riêng kinh phí chi cho hoạt động kiểm kê, hàng năm mỗi cơ sở chăn nuôi đã mất từ 100-150 triệu đồng; chưa kể các cơ sở thuộc diện này phải thực thi hạn ngạch buộc phải cắt giảm khí nhà kính hàng năm.

Thứ hai, nếu không đạt (về cơ bản là không đạt) sẽ bị xử lý vi phạm, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi và phát sinh các tiêu cực không đáng có.

Thứ ba, số lượng cơ sở chăn nuôi rất lớn. Trừ các trang trại chăn nuôi bò sữa, trại giống lợn của các công ty, tập đoàn trực tiếp quản lý có đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật tốt có thể thực hiện được kỹ thuật kiểm kê và áp dụng nghiêm túc các quy trình giảm phát thải nhà kính; còn phần lớn các trại chăn nuôi trong sản xuất của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Thứ tư, hiện nay, số lượng các tổ chức dịch vụ và chuyên gia trong nước có đủ trình độ và kinh nghiệm hướng dẫn việc kiểm kê và các biện pháp kiểm soát khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi rất ít, cần có thời gian để đào tạo.

Từ những lý do nêu trên, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay, ít nhất cũng là từ nay tới năm 2027.

Việc lùi thời gian để các cơ quan quản lý, các đơn vị dịch vụ và người chăn nuôi có thêm điều kiện làm quen, tiếp thu được kiến thức, công nghệ phù hợp, cải tạo chuồng trại và chuẩn bị các nguồn lực để có thể thực thi được những vấn đề còn rất mới mẻ và phức tạp này.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương: Trên thế giới, nhiều quốc gia đã yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính, nhưng theo lộ trình từ lúc yêu cầu đến khi bắt buộc thực hiện là 5 năm.

Ở nước ta, ông Dương cũng kiến nghị nên có lộ trình để các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi có thời gian, điều kiện làm quen, tiếp thu được kiến thức, công nghệ phù hợp, cải tạo chuồng trại và chuẩn bị các nguồn lực để có thể thực thi được những vấn đề rất còn mới mẻ và phức tạp này.

kiem-ke-khi-nha-kinh-trong-chan-nuoi-1.jpg
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị lùi thời hạn kiểm kê khí nhà kính để ngành chăn nuôi có thời gian chuẩn bị

Giải pháp nào phù hợp?

Theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Chăn nuôi - Bộ NN & PTNT): Để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa hạn chế tác động tới môi trường, nhiều giải pháp đã cho thấy hiệu quả thực tiễn như áp dụng công nghệ xử lý thu hồi năng lượng, các mô hình phân bón hữu cơ, trang trại tuần hoàn, giảm phát thải.

Sau cam kết tại COP 26, Chính phủ Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ bao gồm Luật Chăn nuôi và các nghị định, các thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án “Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án trọng tâm của chiến lược. Đề án đòi hỏi các địa phương tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo hiệu quả, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”, bà Nguyễn Quỳnh Hoa nhấn mạnh.

Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, tiềm năng của các biện pháp giảm phát thải liên quan đến ngành chăn nuôi trong cả giai đoạn 2021 - 2030 là 152,5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 54% tổng tiềm năng giảm phát thải của lĩnh vực nông nghiệp.

Nhìn từ kinh nghiệm giảm phát thải khí nhà kính của các nước có ngành chăn nuôi tiên tiến như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan…, bà Hoa cho rằng, quản lý khí nhà kính và các yêu cầu báo cáo khí nhà kính của các quốc gia phát triển và đang phát triển luôn bao gồm các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp trong các giai đoạn phải báo cáo.

Đây là yêu cầu của quá trình kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của IPCC, trong đó, ngành chăn nuôi có tỷ lệ khá lớn đối với tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.

Các cơ sở chăn nuôi lớn được yêu cầu cung cấp số liệu hoặc lập báo cáo kiểm kê tùy thuộc phương thức quản lý của từng nước và hệ thống quản lý số liệu về phát thải khí nhà kính.

Khi đã có các báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp sẽ có nhận thức được các cơ hội giảm phát thải ngay trong quá trình sản xuất của mình (ví dụ: cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng, quản lý chất thải chăn nuôi để làm phân compost, thu hồi biogas đốt phát điện đáp ứng một phần nhu cầu điện năng của cơ sở chăn nuôi…).

Hiện, một số nước trên thế giới đã và đang phát triển các dự án carbon cho lĩnh vực chăn nuôi, đơn cử như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đã phát triển và đăng ký thành công các dự án tín chỉ carbon cho các cơ sở chăn nuôi tại các nước này. Đây có thể là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển dự án giảm phát thải, tăng nguồn thu cho doanh nghiệp và hướng đến phát triển bền vững, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.

kiem-ke-khi-nha-kinh-trong-chan-nuoi-2.jpg
Nếu biết tân dụng các phụ phẩm, chất thải, nước thải, khí thải trong chăn nuôi sẽ tạo ra nguồn tài nguyên, phục vụ hoạt động sản xuất trong chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường

PGS. TS Cao Thế Hà, Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Để ngành chăn nuôi tại Việt Nam có thể phát triển bền vững, ngoài những vấn đề mang tính chuyên ngành (thức ăn, giống, công nghệ chăn nuôi, chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, giết mổ, thị trường …) thì vấn đề môi trường-xử lý chất thải, mùi cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là về tác động lên ý kiến xã hội. Nếu chạy theo các công nghệ xử lý chất thải truyền thống thì chi phí sẽ là rào cản khó vượt qua. Giải pháp là Kinh tế tuần hoàn, hay các Công nghệ “không thải” thu hồi tài nguyên từ chất thải (công nghệ “Không thải” GC-VN):

Trước hết về Thể chế (Luật, các Quy chuẩn để kiểm soát, các Chính sách để khuyến khích người chăn nuôi); Công nghệ để thực hiện, PGS. TS Cao Thế Hà nói thêm.

PGS. TS Cao Thế Hà phân tích: Trước năm 2000, ngành nông nghiệp ở nước ta phần lớn áp dụng công nghệ hồ chứa ít nhất 180 ngày cùng với đó là tái sử dụng tưới ruộng. Tuy nhiên, tưới ruộng phải theo Luật kiểm soát dinh dưỡng N, P. Tùy từng nơi, tùy loại cây trồng lượng N phải khống chế dưới 170-220 kg N/ha/năm, chỉ tưới vào thời điểm phù hợp (ít mưa).

Nhưng tại Mỹ: Về Thể chế họ có các Luật liên quan (nước, chăn nuôi), ít chú ý về thu hồi năng lượng, mặc dù họ có quan tâm phát triển công nghệ đốt, khí hóa (phân). Về Công nghệ XLNT họ có Chương trình phát triển EST ở Bang North Caroline (đứng thứ 3 nước Mỹ về số đầu lợn). Theo đó, nước-phân thải được đi ép tách làm hai dòng. Dòng rắn đi làm phân compost, dòng lỏng đi xử lý C, N, P. Công nghệ này cho phép tuần hoàn nước sau xử lý để ngâm phân trong chuồng. Sau áp dụng EST cải thiện môi trường nước, đất, không khí, hiệu quả chăn nuôi tăng, lợn chết giảm về số lượng.

EU: Một số nước (nhất là Đức) có chính sách Hỗ trợ điện tái tạo nên phát triển công nghệ Biogas-CHP (đồng phát nhiệt điện), áp dụng công nghệ màng để cô đặc nước thải làm phân NPK lỏng, có các Dự án tương tự EST ở Mỹ. Gần đây bắt đầu áp dụng công nghệ xử lý chất thải hữu cơ mới là HTC, rất hiệu quả đối với chất thải ướt khó đốt (phân-bùn, rác sinh hoạt hữu cơ…).  

Tại Việt Nam, gần đây đang dần phổ biến nuôi lợn trong chuồng kín, có điều nhiệt. Công nghệ gom phân-nước tiểu qua sàn, ít tắm hoặc không tắm lợn. Phân ngâm, xả định kì. Công nghệ xử lý: Tách phân, phần rắn bán làm phân compost, dòng lỏng qua hầm biogas hoặc không, xử lý bằng công nghệ AO hoặc SBR, qua các hồ chứa, tái sử dụng ngâm phân/rửa chuồng. Thu hồi biogas phát điện đã có song còn chưa phổ biến. Chưa có nhà máy làm phân compost từ phân ép nên nhiều khi sử dụng tươi, phân chưa hợp quy, có nguy cơ phát sinh bệnh. Bộ NN & PTNT có Chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp (IWM) của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cac-bon thấp- LCASP 2013-2018 [“CD-02-2019_Chương trình QL Thải CN-Dự án LCASP 36pp”]. Theo đó: tách phân làm compost, áp dụng hầm biogas, dùng biogas phát điện. Ngoài ra, khuyến khích công nghệ chăn nuôi ít nước (ngâm phân, không tắm lợn).   

Có thể thấy, khi áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải, khí thải, nước thải từ chăn nuôi sẽ tạo ra nguồn tài nguyên phong phú như: Phân bón, Nước (không chỉ là nước cho lợn uống, tắm lợn, vệ sinh chuồng trại, nước còn cần cho suốt quá trình gieo trồng, chế biến thức ăn cho lợn, nước cho giết mổ); Năng lượng trong đó phải nói đến tiền năng năng lượng từ Carbon; Điện năng (lượng điện thu được hoàn toàn có thể bù chi phí điện xử lý chất thải của trang trại, phần dư phục vụ sản xuất); Nhiệt năng (lượng nhiệt thu được có thể phục vụ công tác xử lý chất thải). PGS. TS. Cao Thế Hà lưu ý: Con số lượng khí metan thu hồi thực tế phụ thuộc vào công nghệ yếm khí.

Rõ ràng, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là một giải pháp bảo vệ môi trường, giảm phát thải, tận dụng được nguồn thải để biến chúng thành tài nguyên, tiết kiệm chi phí và cho hiệu quả kinh tế cao.

Bài liên quan
  • Đề xuất chưa đưa chăn nuôi vào kiểm kê khí nhà kính
    Đó là ý kiến được Hội Chăn nuôi Việt Nam đưa ra trong văn bản gửi Bộ TN&MT về việc tham gia góp ý kiến nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam (Bài 2): Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả?