Việt Nam phát hiện tiềm năng điện gió ngoài khơi hơn 1.000 GW nhờ vệ tinh siêu hiện đại
Nhờ ứng dụng công nghệ siêu hiện đại, Việt Nam xác định tổng tiềm năng điện gió ngoài khơi đạt 1.068 GW – cao hơn nhiều so với ước tính trước đó của Ngân hàng Thế giới. Đây được coi là "mỏ vàng xanh" để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Mỏ vàng" ngoài khơi
Nhờ sử dụng loạt công nghệ hiện đại như vệ tinh của NASA, ESA, Ấn Độ cùng các mô hình WRF-3 km thế hệ mới, các chuyên gia Việt Nam đã có những con số liên quan đến tổng công suất điện gió ngoài khơi lớn hơn những khảo sát trước đây của Ngân hàng Thế giới (WB).

Với tổng công suất kỹ thuật lên đến 1.068 Giagawatt (GW) tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tính ở độ cao 100 mét; và 57,8 GW tại vùng ven bờ đến 6 hải lý, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Đây là kết quả nghiên cứu do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thực hiện sau khi áp dụng loạt công nghệ, vệ tinh hiện đại bậc nhất thế giới để đưa ra những con số ấn tượng này.
Trước đó, Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức lễ công bố báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam” ngày 18/4/2025 tại Hà Nội.
Báo cáo này mang đến bức tranh toàn diện về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam – quốc gia được đánh giá có nguồn tài nguyên gió biển dồi dào bậc nhất khu vực, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định.
Cụ thể:
Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)
Tổng công suất kỹ thuật tại EEZ đạt 1.068 GW (tính ở độ cao 100 mét), cao hơn 469 GW so với báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021. Trong đó: Phía Nam: 894 GW, chiếm phần lớn nhờ điều kiện gió mạnh và ổn định. Phía Bắc: 174 GW, tập trung tại Vịnh Bắc Bộ.
Thời gian khai thác hiệu quả nhất là từ tháng 11 đến tháng 2, chiếm 50% công suất cả năm, với đỉnh cao vào tháng 12. Ngược lại, tháng 5 có công suất thấp nhất do gió yếu.
Vùng ven bờ (đến 6 hải lý)
Tổng công suất kỹ thuật tại vùng ven bờ là 57,8 GW, với sự phân bố không đồng đều:
Bạc Liêu - Cà Mau: Gần 30% tổng tiềm năng (khoảng 16 GW), dẫn đầu nhờ tốc độ gió ổn định.
Ninh Thuận - Bình Thuận: 24 GW, tập trung tại các huyện Ninh Phước và Tuy Phong.
Quảng Trị - Huế: Tiềm năng nhỏ hơn nhưng có gió ổn định vào mùa đông, phù hợp cho các dự án quy mô vừa.
Đồng bằng Bắc Bộ: Chỉ 0,17 GW, do hạn chế về độ sâu nước, quy hoạch và các khu vực bảo tồn.
Mật độ năng lượng gió
Sử dụng Mô hình Nghiên cứu và Dự báo Thời tiết (WRF), với khoảng cách lưới là 3 km, các nhà khoa học cho biết, mật độ năng lượng gió trung bình năm tại trung tâm Vịnh Bắc Bộ đạt 500-900 W/m², trong khi vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 400-600 W/m² (độ cao 100 m).
Các con số này cao hơn đáng kể so với ước tính trước đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ), khẳng định độ chính xác và chi tiết của báo cáo mới.
"Việt Nam may mắn có nền kinh tế đang phát triển và những điều kiện thuận lợi để cho nhiều loại công nghệ truyền tải và tạo ra các loại hình năng lượng tái tạo khác nhau. Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo ở châu Á - Thái Bình Dương; hiện thực hóa cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)".
Đó là những nhận định của ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP - công ty quản lý quỹ chuyên dụng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo mới) tại Việt Nam, trong Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 tổ chức vào ngày 31/3/2025.
Con số 1.068 Giagawatt lớn như thế nào?
Để hiểu con số 1.068 GW lớn như thế nào, hãy phân tích nó theo ngữ cảnh và so sánh với các ví dụ thực tế:
1. Quy mô năng lượng
- 1 Gigawatt = 1 tỷ watt; hoặc = 1.000 Megawatt (MW).
- Watt là đơn vị công suất, biểu thị tốc độ sản xuất hoặc tiêu thụ năng lượng. 1 GW tương đương với công suất của một nhà máy điện lớn. 1 GW cũng đủ để cấp điện cho khoảng 750.000 hộ gia đình ở Mỹ (giả sử mỗi hộ dùng trung bình 1.3 kW).
- 1068 GW tương đương với 1.068.000.000.000 watt (1.068 nghìn tỷ watt). Đây là một lượng năng lượng cực kỳ lớn, đủ để cung cấp điện cho hàng trăm triệu hộ gia đình hoặc thậm chí một quốc gia.
2. So sánh với thực tế
- Nhà máy điện hạt nhân: Một nhà máy điện hạt nhân điển hình sản xuất khoảng 1-2 GW điện. Vậy 1068 GW tương đương với công suất của khoảng 534-1068 nhà máy điện hạt nhân hoạt động cùng lúc.
- Tiêu thụ điện quốc gia: Ví dụ, Việt Nam tiêu thụ khoảng 260 TWh điện mỗi năm (2022), tương đương với công suất trung bình khoảng 30 GW (giả sử hoạt động liên tục). 1068 GW lớn gấp 35 lần nhu cầu điện trung bình của Việt Nam.
- Thế giới: Tổng công suất điện toàn cầu (2022) ước tính khoảng 8.500 GW (bao gồm tất cả các nguồn như than, gió, mặt trời, hạt nhân...). 1068 GW chiếm khoảng 12,5% tổng công suất toàn cầu, một con số rất ấn tượng.
3. Ví dụ minh họa
- 1068 GW có thể là công suất của một hệ thống năng lượng tái tạo khổng lồ (như hàng triệu tấm pin mặt trời hoặc hàng chục ngàn turbine gió) hoặc một mạng lưới nhà máy điện lớn.
- Nếu dùng để sạc pin, 1068 GW có thể sạc hàng tỷ chiếc điện thoại thông minh chỉ trong vài giây.
"Năng lượng xanh đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững của Việt Nam. Nhiều “đại bàng” FDI lớn như Samsung, Nike, Foxconn, cùng các trung tâm dữ liệu, đang tích cực tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh quy mô lớn tại Việt Nam" - ông Stuart Livesey cho biết thêm.
Điều kiện cần (tiềm năng điện gió ngoài khơi cộng với khả năng thu hút đầu tư) đã có, giờ có thể là thời điểm chúng ta cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ chế đấu thầu minh bạch, đầu tư công nghệ, phát triển lưới điện hiệu quả... để đưa đất nước đạt được mục tiêu: Đến năm 2030, ít nhất 33% tổng sản lượng điện sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Điện gió ngoài khơi – Động lực xanh cho an ninh năng lượng tương lai
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các giải pháp năng lượng tái tạo như điện gió đang trở thành trọng tâm toàn cầu.

Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu và cam kết Net Zero tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon.
Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đầy tham vọng: Đến năm 2030, ít nhất 33% tổng sản lượng điện sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Là quốc gia nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định, Việt Nam sở hữu tiềm năng gió biển vượt trội, được xem là chìa khóa để đạt được các mục tiêu này.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam” ngày 18/4/2025 tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn, nhấn mạnh: “Năng lượng gió không chỉ là giải pháp giảm phát thải carbon mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới và sóng cao có thể ảnh hưởng đến việc khai thác nguồn năng lượng này. Do đó, việc đánh giá tiềm năng gió biển một cách khoa học và toàn diện là vô cùng cần thiết”.
Theo Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, báo cáo về tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi chỉ là bước đầu và chưa đủ để xác định chính xác khu vực đầu tư.
Hiện nay, Cục đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới để tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát, nhằm xác định các vùng biển có ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi. Ban đầu, các cuộc khảo sát sẽ tập trung vào khu vực biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau.
Dựa trên dữ liệu tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi Việt Nam, các cơ quan quản lý sẽ phân tích và giải quyết các vấn đề chồng lấn không gian biển, bao gồm hệ thống cáp quang ngầm, khu vực có tiềm năng dầu khí, ngư trường khai thác hải sản, và các luồng di cư của cá cũng như chim biển. Đồng thời, việc đánh giá các yếu tố địa chất, thủy văn và động lực học ven biển là không thể thiếu, nhằm xác định rõ ràng khu vực nào phù hợp với việc phát triển điện gió móng cố định hoặc móng nổi.
Từ đây, bản đồ điện gió "sạch" sẽ được thiết lập, ưu tiên những vùng biển lý tưởng cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Kết quả cuối cùng sẽ được tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia, đóng vai trò là nền tảng để các tổ chức và doanh nghiệp thực hiện các bước tiếp theo, bao gồm khảo sát chi tiết, đánh giá tác động môi trường và xác định tổng mức đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Trên bình diện khu vực, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng gió biển để hợp tác quốc tế, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm với các nước như Na Uy – quốc gia có ngành điện gió ngoài khơi phát triển mạnh. Đồng thời, việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết Net Zero, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.