(Moitruong.net.vn) – Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương theo dõi diễn biến lũ, chủ động rà soát các phương án ứng phó, đặc biệt trong tình huống có lũ lớn xảy ra.
Đoàn công tác kiểm tra một số vị trí cầu xung yếu trên tuyến đường tuần biên từ Tân Hồng đến Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: Tổng cục phòng chống thiên tai
Chiều ngày 28/8/2018, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn, đã đi kiểm tra thực tế diễn biến lũ và công tác ứng phó với lũ tại tỉnh Đồng Tháp. Cùng đi có Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ông Trần Quang Hoài và đại diện một số cơ quan liên quan.
Đoàn đi kiểm tra thực địa ở công trình đê cấp 3 Đê bao Thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng; đi kiểm tra dọc tuyến và tại một số vị trí cầu xung yếu trên tuyến đường tuần biên từ Tân Hồng đến Hồng Ngự.
Sau đó làm việc với Lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đồng Tháp về công tác ứng phó với lũ của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhận định diễn biến lũ phức tạp, dự báo mực nước lũ tại Tân Châu lên đến BĐ3 (báo động 3), theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia thì lũ có thể đạt trên BĐ 3 từ 10 – 30cm vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, có thể gây nguy hiểm cho Đồng bằng Sông cửu Long.
Để chủ động ứng phó, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương theo dõi diễn biến lũ; chủ động rà soát các phương án ứng phó, đặc biệt khi tình huống lũ lớn xảy ra, phương án huy động lực lượng tại chổ. Các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn các biện pháp ứng phó với lũ, phòng chống đuối nước trẻ em, đưa rước trẻ đi học, điểm giữ trẻ tập trung, trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh trước diễn biến lũ có thể lên cao các địa phương cần nghiêm túc triển khai các nội dung theo công điện 45/CĐ-TWPCTT ngày 27/8 của về chủ động ứng phó với lũ ở ĐBSCL, đồng thời địa phương cần chủ động cho nước vào các ô bao (đã thu hoạch mà không có kế hoạch tiếp tục sản xuất ) sớm để giảm áp lực lên các đê bao, bơ bao. Đồng thời lưu ý có phương án với các khu vực trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu vực vườn cây ăn trái.
Ngọc Lan