– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 01 loài thực vật và 21 loài động vật thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm cần được bảo vệ -Ảnh: TL
Những loài thực vật, động vật này phân bố sinh sống tại các huyện Phú Quốc, Hòn Đất, U Minh Thượng và Giang Thành. Đối với thực vật có loài kiền kiền (Phú Quốc). Động vật gồm các loài: Chồn bay, voọc đen má trắng, rái cá thường, bò biển, hồng hoàng, rắn hổ chúa (Phú Quốc); vượn đen má hung, gấu chó, gấu ngựa (Hòn Đất); cu li lớn, cu li nhỏ, đồi mồi, vích (Hòn Đất và Phú Quốc); rái cá lông mũi, mèo cá, cổ rắn, hạc cổ trắng (U Minh Thượng); rái cá vuốt bé, tê tê java, già đẫy nhỏ (U Minh Thượng và Hòn Đất); sếu đầu đỏ (Hòn Đất và Giang Thành).
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết: Để điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố, số lượng cá thể còn sót lại, nghiên cứu đặc điểm, giá trị của loài, đánh giá mức độ bị đe dọa tuyệt chủng, quản lý và bảo vệ những loài nguy cấp, quý hiếm, tỉnh cần có những dự án nghiên cứu khoa học, chương trình bảo tồn với sự tham gia của các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, nhằm tái tạo phát triển những loài này, bảo tồn tính đa dạng sinh học.
Ngoài ra, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang còn phát hiện một số loài thuộc bộ linh trưởng, bộ rùa, bộ có vảy đề nghị bổ sung vào danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Cụ thể như: Khỉ đuôi dài (Hòn Đất và Phú Quốc); khỉ đuôi lợn, rùa ba gờ, rùa đất lớn, rùa răng, kỳ đà vân (Hòn Đất); voọc bạc Đông Dương (Kiên Lương).
Đối với loài voọc bạc Đông Dương sinh sống trên các núi đá vôi thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đã được các nhà nghiên cứu phát hiện là một loài đặc hữu cần đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ. Tuy nhiên, các núi đá vôi, một phần do Nhà máy xi măng Holcim đóng trên địa bàn xã Bình An đang quản lý, khai thác sử dụng và một phần nằm ở khu vực núi Chùa Hang thuộc Công ty Du lịch Chùa Hang quản lý nên trong quá trình hoạt động gây ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sống của loài này. Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang chưa có nghiên cứu cụ thể về cá thể cũng như quần thể loài voọc bạc Đông Dương và đang có kế hoạch di dời đàn voọc sang khu vực núi Hòn Chông.
“Các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang đề xuất một số đề tài, dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm. Trước mắt, tập trung quản lý, bảo vệ hiệu quả các loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ, nhằm khôi phục phát triển bầy đàn, bảo tồn tính đa dạng sinh học trên địa bàn”, ông Quảng Trọng Thao cho hay.
(Theo Tinmoitruong.vn)