Biến đổi khí hậu

Sơn La: Chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Hạ Vy 09/07/2025 13:00

Nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai cho nhân dân, nhất là lực lượng công an xã, tổ xung kích và lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở là một trong những giải pháp trọng tâm mà tỉnh Sơn La xác định nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Là tỉnh miền núi với địa hình chia cắt phức tạp, nhiều sông suối có độ dốc lớn, tỉnh ta đang phải đối mặt ngày càng thường xuyên với các hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, sạt lở đất và dông lốc. Những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu đã khiến công tác phòng, chống thiên tai trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

sla.gif
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát khu vực có nguy cơ sạt lở đất tại xã Tà Xùa

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối, 6 trận dông lốc kèm mưa đá và sét, cùng 2 trận mưa lớn gây thiệt hại đáng kể về người, tài sản và hoa màu. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 11,5 tỷ đồng. Riêng trong tuần đầu tháng 7, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất tại các xã Mường Chiên, Chiềng Mai, Mường Sại. Một ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, tám ngôi nhà khác buộc phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tại xã Mường Bú, sạt lở khoảng 100.000 m³ đất đá đã làm ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 279D.

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của thời tiết trong thời gian tới, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm nhằm chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Các cấp, các ngành, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là người đứng đầu.

Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ” – chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ – để đảm bảo kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là lực lượng công an xã, tổ xung kích cấp xã và lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở.

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo củng cố lực lượng chuyên trách làm công tác phòng chống thiên tai từ cấp tỉnh đến cơ sở theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp; xây dựng các phương án ứng phó cụ thể cho từng loại thiên tai; rà soát, xác định các khu dân cư có nguy cơ cao bị ảnh hưởng để kịp thời di dời hoặc có giải pháp phòng tránh.

Về mặt cơ sở hạ tầng, tỉnh ưu tiên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng, nhất là với các công trình giao thông, thủy lợi, viễn thông, năng lượng… phù hợp với điều kiện thực tế và cấp độ rủi ro thiên tai tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo thiên tai; thúc đẩy hợp tác quốc tế, xã hội hóa các hoạt động phòng ngừa và ứng phó.

Với tinh thần chủ động, quyết liệt và toàn diện, tỉnh ta đang nỗ lực từng bước nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và sự phát triển bền vững của địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sơn La: Chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.