Biến đổi khí hậu

Thiên tai dị thường có thể xuất hiện trong tháng 7/2025

Hải Đăng 02/07/2025 19:00

Tháng 7 được dự báo tiếp tục xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa lớn diện rộng, bão trên Biển Đông, nắng nóng và dông lốc. Đặc biệt, miền Bắc và Bắc Trung Bộ mưa nhiều hơn hàng năm.

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng thủy văn, trong tháng 7, còn nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm có khả năng xảy ra. Do vậy, chính quyển và người dân địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); “3 sẵn sàng” (sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả).

screenshot-2025-07-02-090424.jpg
Thiên tai dị thường có thể xuất hiện trong tháng 7/2025

Trong tháng 7, dự báo khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến tỉnh Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một số đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa cả tháng phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-50%. Lũ lụt, ngập úng ở các vùng trũng và sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi vẫn có nguy cơ cao xảy ra.

Tại khu vực cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa dông, có ngày có mưa to đến rất to. Thời điểm mưa tập trung vào chiều tối. Cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập úng, sạt lở đất, lốc sét.

Cũng trong tháng này, trên khu vực Biển Đông, số lượng bão hoặc áp thấp nhiệt đới có thể ở mức tương đương trung bình nhiều năm và khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta (trung bình nhiều năm trên Biển Đông 1,6 cơn, đổ bộ 0,9 cơn).

Cụ thể, tháng 7, trên Biển Đông có thể xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Trong đó, 1 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn trên biển và ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền. Hiện tượng mưa lớn và dông, lốc, sét có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.

Dự báo trong tháng 7, nắng nóng vẫn có khả năng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Huế và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên do mưa nhiều nên cường độ nắng nóng không gay gắt như cùng kỳ năm ngoái.

Thiên tai dị thường, cực đoan

Ngay gần trung tuần tháng 6, bão số 1 đã hình thành ngày trên Biển Đông, măc dù không ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam nhưng hoàn lưu bão rộng đã gây ra một đợt mưa lớn ở Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên. Mưa dồn dập với cường suất lớn đã gây ra lũ lớn và ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc các khu vực trên.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, do ảnh hưởng của bão số 1, đợt mưa lũ từ đêm 11 - 13/6 tại khu vực trên được đánh giá là hiếm gặp, đỉnh lũ trên sông Kiến Giang, sông Thạch Hãn, sông Bồ, sông Vu Gia được quan trắc là cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây so với cùng kỳ.

Trong ngày 12/6, một số trạm khí tượng truyền thống ở Trung Trung Bộ đã ghi nhận lượng mưa trong ngày vượt giá trị lịch sử cùng kỳ tháng 6. Cụ thể từ 11 đến 13 giờ ngày 13/6, khu vực Trung Trung Bộ có tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 400 mm, một số tỉnh có tổng lượng mưa trong 3 ngày phổ biến từ 300 - 650 mm, có nơi cao hơn như Nam Đông (thành phố Huế) 768 mm.
"Đáng chú ý là ngày 12/6, tại Nam Đông có lượng mưa 559 mm vượt giá trị lịch sử trước đó là 411mm vào ngày 25/6/1983", ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.

Cùng với đó, trong ngày 11 và 12/6, nhiều trạm đo mưa tự động tại khu vực trên đã ghi nhận lượng mưa tích lũy với cường suất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Tổng số có 32 trạm đo mưa tự động có lượng mưa tích lũy trong 6 giờ là trên 200 mm, đặc biệt tại khu vực 2 thành phố Huế và Đà Nẵng. Trong đó, lượng mưa lớn nhất trong 6 giờ tại trạm Bạch Mã (thành phố Huế) là 319,4 mm.

"Đây là lượng mưa lớn lịch sử tháng 6 tại Huế, đặc biệt, lượng mưa tại trạm Bạch Mã đạt 884,2mm. Riêng lượng mưa ngày 12/6 ở hầu hết các địa phương đều vượt giá trị kỷ lục về lượng mưa lớn nhất ngày kể từ năm 1976 đến nay. Đây cũng là hiện tượng mưa bất thường và hiếm gặp - có thể nói là chưa từng gặp trong tháng 6 - tháng chính của mùa hè", ông Mai Văn Khiêm chia sẻ.

Từ ngày 26-30/6, Bắc Bộ tiếp tục xảy ra ra một đợt mưa lớn. Đợt mưa lần này có tổng lượng mưa từ 100-300mm kéo dài trong khoảng thời gian từ 28/6-2/7, cục bộ có thể lên tới 500mm. Mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở đất ngập úng ở nhiều địa phương như Lào Cai, Thái Nguyên...

Ngoài hiện tượng mưa lớn, bất thường, khu vực Bắc Bộ cũng xảy ra nhiều đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt, từ ngày 1-2/6, 6-8/6 và từ ngày 14-15/6, nắng nóng xảy ra với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi cao hơn. Tại khu vực Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ, nắng nóng gay gắt xảy ra từ ngày 1-3/6 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C và từ ngày 6-8/6 với nhiệt độ cao nhất từ 35-38 độ C, Từ ngày 14-19/6, nắng nóng tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Huế với nhiệt độ cao nhất từ 35 độ C-38 độ C.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt cùng với mưa lớn bất thường trong thời gian qua là biểu hiện rất rõ sự cực đoan, dị thường của thời tiết.

Cũng theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), chỉ riêng trong tháng 6 đã xuất hiện 15 loại hình thiên tai xảy ra (bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, xâm nhập mặn, ngập lụt, động đất...). Thiên tai đã làm 28 người chết, 8 người bị thương, 482 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 4.385 nhà bị ngập; 94.278ha lúa, rau màu bị ngập, thiệt hại...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thiên tai dị thường có thể xuất hiện trong tháng 7/2025
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.