(Moitruong.net.vn) – Tình hình phát triển kinh tế- xã hội quý 1/2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Kiên Giang dự kiến tăng 7,87%. Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,22%, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,17%. Sản lượng khai thác và nuôi trồng 168.131 tấn, đạt 21,45% kế hoạch và tăng 7,36% so cùng kỳ; trong đó, diện tích tôm nuôi 101.484ha, đạt 82,5% kế hoạch và tăng 1,5% so cùng kỳ; sản lượng tôm nuôi 9.733 tấn, đạt 14,1% kế hoạch và tăng 49% so cùng kỳ.
Tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Có được kết quả đáng khích lệ đó là nhờ sự hợp tác phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh như: Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng khoa học công nghệ trong thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; Xúc tiến thương mại và đầu tư để giải quyết thị trường đầu ra cho thủy, hải sản; Kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vệ sinh thực phẩm; ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản.
Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng, tổng hợp danh mục các chương trình, dự án liên kết vùng và có tính chất vùng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, thủy lợi các dự án: cống Kênh Nhánh, cống T3- Hòa Điền, cống Vàm Bà Lịch, cống Rạch Tà Niên. Đây là các dự án có ảnh hưởng đến các tỉnh lân cận như tỉnh An Giang và một phần thành phố Cần Thơ, khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ làm hạn chế mặn xâm nhập sâu vào nội đồng theo các tuyến kênh chính như Rạch Giá – Hà Tiên, sông Cái Sắn, gây nhiễm mặn, ảnh hưởng sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân 3 tỉnh Kiên Giang – Cần Thơ – An Giang.
Làm đê bao ngăn lũ bảo vệ mùa màng
Triển khai thực hiện tốt Liên kết hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang) về phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông và thủy lợi, bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước; quy hoạch vùng sản xuất, kêu gọi hợp tác đâu tư, xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch; xây dựng chuỗi ngành hàng, thương hiệu nông sản, tái cơ cấu nông nghiệp theo kịch bản nâng cao sinh kế và ứng phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những lợi thế được phát huy thì cũng có mặt còn hạn chế như: Mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm phát triển chậm; nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư nhưng triển khai còn ít do công tác thực hiện phương án bồi thường hỗ trợ, bố trí tái định cư của các dự án mất rất nhiều thời gian; công tác bàn giao ngoài thực địa còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn so với nhiều năm trước. Nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn sâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nhất là sản xuất lúa và một số nơi bị thiếu nước sinh hoạt. Việc giải quyết và xử lý các vấn đề về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… hiệu quả chưa cao.
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang cần tăng cường công tác liên kết với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy đầu tư các công trình trọng điểm như đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát lũ ven biên giới, kiểm soát mặn ven biển Tây, cụm thoát lũ ra biển Tây, hệ thống đê biển vùng tứ Giác Long Xuyên (nạo vét, nâng cấp, mở rộng đê, kênh). Kè chống sạt lở đường tỉnh 967 (đoạn từ thứ 7- Cán Gáo tỉnh Kiên Giang tới sông Trẹm tỉnh Cà Mau), đường Quốc lộ NI (đoạn Tịnh Biên, An Giang – Hà Tiên, Kiên Giang), hệ thống đê vùng bán đảo Cà Mau, rà soát hệ thống thủy lợi liên kết bảo vệ và quản lý nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh để bố trí sản xuất đồng bộ phù hợp trong vùng.
Trương Anh Sáng