Kinh nghiệm “hồi sinh” những con sông ngập rác của Nhật Bản

Mai Dung (t/h)|16/07/2019 07:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến sông nước phải nhường cho đường giao thông. Sau nhiều năm, kênh rạch ngày càng ô nhiễm bởi nước thải và công nghiệp.

Nếu nhìn lại những bức ảnh các dòng sông xen giữa khu vực đô thị ở Nhật Bản những năm 1960 – 1970, nhiều người không khỏi giật mình vì thời đó, rác thải cũng ngập đầy mặt sông, ngay cạnh là biển cấm đổ rác. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến sông nước phải nhường cho đường giao thông. Sau nhiều năm, kênh rạch ngày càng ô nhiễm bởi nước thải và công nghiệp. Bệnh Minamata (do ăn phải thức ăn nhiễm thủy ngân nặng) và các bệnh khác do nước bị ô nhiễm là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này.

Để có được môi trường sạch hàng đầu thế giới như ngày hôm nay, Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp tổng thể, từ hệ thống pháp luật đến xây dựng hệ thống quản lý, điều phối rác thải, xử lý nước thải tiên tiến. Hệ thống nhà vệ sinh hiện đại nhất thế giới, khiến sông ngòi đỡ ô nhiễm nặng hơn. Năm 1993, Luật Môi trường đã được thông qua để bảo vệ các đầu nguồn của các dòng sông, trong đó siết chặt quy định buộc ngành công nghiệp phải xử lý và lọc nước thải đồng thời phạt nặng hành vi vi phạm. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của công nghệ xử lý nước. Trong khi đó, các hộ gia đình và các nhà máy đều nhận thức được rằng, kiểm soát ô nhiễm tại các nguồn là cách tốt nhất để làm sạch nước.

Một góc sông Meguro ở Tokyo vào mùa hoa anh đào.

Có thể lấy ví dụ, sông Yamato, ở Keihanshin, vùng Kansai từng là một trong những dòng sông bẩn nhất Nhật Bản những năm 1970. Sự tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa nhanh khiến sông Yamato trở thành nơi hứng nước thải của các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi và nhà máy mà không qua xử lý. Nhưng sau một loạt biện pháp cùng chính sách phục hồi khẩn cấp như kết hợp kiểm soát nguồn nước thải sinh hoạt của người dân với những nỗ lực của chính quyền trong bảo vệ môi trường nước, môi trường cảnh quan hai bên bờ, chất lượng nước đã được cải thiện, nhiều loài động vật và thực vật có thể sống và phát triển.

Năm 2010 và 2011, sông Yamato được xếp hạng đầu tiên ở Nhật Bản là “dòng sông có chất lượng nước được cải thiện đáng kể trong 10 năm qua”. Năm 2015, chất lượng nước của sông Yamato được ghi nhận có chỉ số đẹp nhất trong lịch sử, và thấp hơn khoảng 9 lần so với năm 1970, khi chất lượng nước suy giảm ở mức đỉnh điểm.

Mai Dung (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm “hồi sinh” những con sông ngập rác của Nhật Bản