Kon Tum: Gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác với động đất

Bảo An|27/08/2022 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, “Chúng tôi liên tục cử cán bộ đến gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác với động đất. Địa phương cũng in nhiều tờ rơi hướng dẫn phương án ứng phó rồi dán tại các thôn làng".

dat-2.jpg
Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng - nơi gần tâm chấn động đất.

Trong 3 ngày liên tiếp (23 - 25.8) trên địa bàn H.Kon Plông (Kon Tum) xảy ra 13 trận động đất. Trong đó, 1 trận động đất có độ lớn 4,7 độ richter khiến nhiều tỉnh thành lân cận bị rung chấn.

Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã tổ chức đi đến từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó khi có động đất.

Bà Y Xuân (trú thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, H.Kon Plông, Kon Tum) cho hay, thời điểm xảy ra trận động đất mạnh 4,7 độ richter, bà cảm thấy mặt đất rung lắc mạnh. Như nhiều người khác, bà liền chạy ra ngoài vì sợ vật dụng và mái nhà rơi xuống.

Tuy nhiên, việc động đất liên tục xảy ra khiến bà và người dân trong thôn quen dần và không còn quá lo sợ như thời gian đầu.

Theo ông A Hương, Trưởng thôn Đăk Tăng, thôn có hơn 100 hộ dân thường sống trên các đỉnh đồi cao. Vì vậy, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, đặc biệt là khi có rung chấn, luôn đe dọa. Nếu như thời gian đầu, người dân tỏ ra hoang mang thì hiện tại sau hàng trăm trận động đất, họ lại mang tâm lý chủ quan, lơ là.

"Chính quyền địa phương phải đến từng nhà để nhắc nhở người dân thay mái ngói thành mái tôn chắc chắn, tránh nguy hiểm mỗi khi động đất tạo ra rung chấn. Tôi mong cơ quan chức năng sớm đưa ra nguyên nhân chính thức về động đất. Từ đó lên phương án để khắc phục, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân", ông A Hương nói.

Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, người dân địa phương có tập quán sống ở nhà đầm, chòi rẫy nên việc cập nhật thông tin về động đất và các phương pháp ứng phó còn hạn chế. Để người dân không chủ quan, lơ là, nhất là lúc động đất xảy ra, chính quyền xã luôn chủ động tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi và cập nhập nhanh thông tin về các trận động đất.

“Chúng tôi liên tục cử cán bộ đến gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác với động đất. Địa phương cũng in nhiều tờ rơi hướng dẫn phương án ứng phó rồi dán tại các thôn làng. Chúng tôi cũng chủ động thông tin qua mạng Zalo, loa phát thanh và đến từng hộ dân để hướng dẫn kỹ việc xử lý khi có sự cố động đất", ông Nết cho biết thêm.

Theo ông Lê Đức Tín, Phó chủ tịch UBND H.Kon Plông, trong thời gian vừa qua, huyện đã tuyên truyền người dân ứng phó động đất theo phương châm 4 tại chỗ. Địa phương này cũng đang kiến nghị cơ quan chuyên môn kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá để sớm đưa ra nguyên nhân, nguy cơ ảnh hưởng của động đất; đôn đốc thủy điện Thượng Kon Tum sớm hoàn thành việc lắp đặt các trạm quan trắc, phục vụ đo đạc, nghiên cứu về động đất để sớm cảnh báo cho người dân.

dat-1.jpg
Sau nhiều trận động đất, người dân có tâm lý chủ quan, lơ là.

Xã Măng Cành (huyện Kon Plông) là địa phương có hơn 95% người đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nâm đang sinh sống, với 934 hộ/2.500 nhân khẩu.

Đây là một trong những địa phương nằm gần vùng tâm chấn và chịu ảnh hưởng bởi các trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông. Người dân nơi đây dần cảm thấy quen khi tần suất xảy ra động đất liên tục.

Anh A Vương (làng Đăk Ne, xã Măng Cành) cho biết trong quá trình đi làm rẫy, anh thường xuyên phát hiện thấy mặt đất và cây cối rung lắc nhẹ, thời gian diễn ra khoảng 4-7 giây.

Tiến hành kiểm tra nhà cửa, anh không phát hiện thiệt hại nên phần nào an tâm. Tại khu vực này, động đất đã xảy ra liên tục nên người dân đã quen với tình trạng này, không còn quá lo sợ.

Khi xảy ra động đất, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông tăng cường tuyên truyền về tình hình động đất trên địa bàn; tránh tâm lý hoang mang lo sợ, ảnh hưởng đến đời sống và tình hình sản xuất của người dân.

Thông qua các tài liệu tuyên truyền sẽ giúp người dân tiếp cận dễ dàng, hiểu được cách thức phòng, tránh khi xảy ra động đất trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Măng Cành Mai Hoàng Huy cho biết xã đã chỉ đạo các thôn, làng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát sổ tay kiến thức về động đất, tập trung người dân và tuyên truyền tại các thôn.

Bên cạnh đó, xã phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi từng nhà để tuyên truyền cho từng người dân nắm rõ kiến thức về động đất.

Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân không nghe theo những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, đánh giá sai về tình hình động đất. Bằng nhiều hình thức khác nhau, người dân địa phương đã dần hiểu được và không còn tâm lý hoang mang, lo sợ.

A Nghị (làng Kon Chênh, xã Măng Cành) chia sẻ, chính quyền địa phương thường đi tuyên truyền cho bà con về cách thức phòng, chống khi xảy ra động đất.

Đặc biệt, những thông tin trong Sổ tay phổ biến kiến thức về động đất rất sinh động, kết hợp với các hình thức ứng phó cụ thể đã giúp người dân hiểu được cách phòng, tránh khi xảy ra động đất.

Sau khi được tuyên truyền, anh Nghị đã hiểu hơn về động đất và cố gắng truyền đạt lại những kiến thức này cho người thân trong gia đình, hàng xóm để mọi người có một cái nhìn tổng quan, không còn tâm lý hoang mang, hoảng loạn.

Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, đơn vị sẽ giám sát chặt chẽ quá trình vận hành của thủy điện Thượng Kon Tum và phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu để lắp đặt ba Trạm quan trắc tại khu vực này.

Từ đó sớm đưa vào hoạt động các trạm quan trắc để đưa ra những cảnh báo chính xác về tình hình động đất, giúp người dân biết để phòng tránh, không còn hoang mang, lo sợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác với động đất