Nhanh chóng lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất tại tỉnh Kon Tum

Hoàng Anh|25/08/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho hay, các trận động đất đã xảy ra tại Kon Plong tuy chưa đến mức độ nguy hiểm, nhưng cần tăng cường nghiên cứu, khảo sát, lắp đặt thêm các trạm quan trắc để ứng phó.

Chiều 24/8, tại cuộc họp về diễn biến động đất và công tác chỉ đạo ứng phó trên địa bàn huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum), Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, trận động đất độ lớn 4,7 lúc 14h08 ngày 23/8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plong và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng).

Theo báo cáo ban đầu của các địa phương, động đất đã làm hư hại mái ngói của 1 nhà tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plong (Kon Tum); trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ghi nhận thiệt hại.

4efdong-dat.png
Vùng tâm chấn, liên tiếp xảy ra các trận động đất ở huyện Kon Plong (Kon Tum).


Thông tin về diễn biến và nguy cơ động đất tại Kon Plong và khu vực lân cận, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), ông Lê Văn Chính – Phó trưởng phòng Khoa học tự nhiên, nhấn mạnh: Không riêng các trận động đất ngày 23.8.2022, mà trước đó, ngay sau trận động đất ngày 18.4.2022, thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHCN đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát liên ngành trực tiếp tại địa bàn xảy ra động đất và vùng lân cận.

Ngay sau khi làm việc, đoàn công tác liên ngành đã làm việc với đại diện các ban ngành của địa phương. Sau đợt khảo sát, ngày 1.5.2022, Bộ KHCN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả đánh giá ban đầu nguyên nhân động đất tại khu vực Kon Plong (tỉnh Kon Tum).

“Các trận động đất từ tháng 3.2021 có độ lớn từ 1,6 đến 4,5 tại khu vực huyện Kon Plong (Kon Tum) đã gây chấn động lớn nhất ở cấp 5, cấp 6. Với chấn động như vậy chưa đến mức độ nghiêm trọng” – ông Chính nói.

Nhận định bước đầu, động đất ở khu vực Kon Plong là động đất kích thích do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn này.

“Vì sao có kết luận như vậy thì trước đây có tiền lệ là hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và đặc biệt là hồ thủy điện Sông Tranh 2 cũng có quy luật như vậy. Các nhà khoa học cũng đã có những nhận định, nghiên cứu. Sau trận động đất có cường độ lớn sẽ có các động đất nhỏ do dư chấn, đây là quy luật mà các nhà khoa học cũng đã đưa ra. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh các trận động đất cần có các quan trắc, khảo sát chi tiết về kiến tạo và địa chấn trong khu vực và lân cận” – ông Chính nói.

Cũng theo ông Chính, một khó khăn mà các nhà khoa học và Bộ KH&CN dù đã cố gắng, nhưng do các kết quả nghiên cứu trước đây về hoạt động kiến tạo, động đất ở khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm đối với các công trình dân sinh và thủy điện. Về nghiên cứu động đất kích thích thì chưa có một nghiên cứu nào ở khu vực này.

Vì vậy, để phục vụ cho việc xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ nguy hiểm của động đất, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp phải có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn cùng góp sức để có những nghiên cứu chi tiết.

"Để có đủ cơ sở đánh giá nguyên nhân, mức độ, nguy cơ, ảnh hưởng của động đất nhằm tuyên truyền, ứng phó, tránh gây hoang mang cho nhân dân thì Bộ KH&CN đề nghị tăng cường mạng lưới quan trắc, lắp đặt thêm các trạm quan trắc về động đất. Theo đó, tỉnh Kon Tum cần phối hợp với các chủ đầu tư tăng mật độ các trạm quan trắc”, ông Chính nhấn mạnh.

Theo ông Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, đối với vấn đề động đất, cần nhìn nhận các vấn đề liên quan đến công trình, bao gồm các công trình hồ đập, công trình dân dụng và công nghiệp trong khu vực xảy ra động đất. Với mức độ động đất vừa xảy ra tại tỉnh Kon Tum, theo tiêu chuẩn cũng như quy chuẩn Việt Nam thì nằm ở cấp 6.

Trong vòng 1 - 2 ngày tới, Bộ Xây dựng sẽ chuyển hướng dẫn sửa chữa nhà hư hỏng và xây mới công trình dân dụng thấp tầng trong vùng động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và đề nghị đơn vị chức năng của tỉnh hướng dẫn cụ thể cho người dân, đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục phổ biến, tuyên truyền về mức độ động đất tới người dân để tránh gây hoang mang không cần thiết.

Trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cụ thể, năm 2021 có 114 trận (gấp 3,5 lần 117 năm trước đó); 8 tháng đầu năm 2022 có 146 trận (gấp 1,3 lần năm 2021).

Từ ngày 15 - 28/4/2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 4,5, trong đó ngày 15/4 độ lớn 4,1 và ngày 18/4 độ lớn 4,5.

Từ ngày 23 - 24/8/2022, đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 4,7, trong đó trận động đất lúc 14h08 ngày 23/8 có độ lớn 4,7 (tương đương cường độ động đất tại thủy điện Sông Tranh 2).

Từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm) đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 3,9.

Bài liên quan
  • Kon Tum: Ban hành kế hoạch ứng phó với thảm họa động đất
    Dự báo thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch ứng phó với thảm họa động đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất tại tỉnh Kon Tum